Thống đốc NHNN: Tín dụng sẽ tăng nếu khơi thông pháp lý cho bất động sản
(DNTO) - Trong bối cảnh tín dụng "đi lùi", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc cần làm lúc này phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn pháp lý cho bất động sản cùng với đó là tăng cường các giải pháp như bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tiếp tục chương trình kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, ngày 1/11, thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu cùng bày tỏ lo ngại về việc doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn dù lãi suất đã giảm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tín dụng tăng chậm lại, trong khi nợ xấu gia tăng. Đến 11/10, tín dụng đạt 6,29% so với 2022, thấp hơn trên 4,8% so với cùng kỳ 2022. Nợ xấu nội bảng tới cuối tháng 6 là 3,36%, cao hơn mục tiêu dưới 3%.
Ông Sơn bày tỏ băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ tăng trưởng tín dụng từng lĩnh vực. Theo đại biểu, trường hợp tín dụng tập trung lĩnh vực bất động sản sẽ tiềm ẩn nguy cơ tăng nợ xấu, khi nguồn cung bất động sản dư thừa, thị trường đang trầm lắng và niềm tin của người dân vào thị trường này sụt giảm.
"Đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay và cân nhắc nới lỏng điều kiện vay, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng, đồng thời, kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro", ông Sơn nếu quan điểm.
Tương tự, đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cũng lo ngại khi tăng trưởng tín dụng đang đi lùi, điều này hy hữu khi đang trong giai đoạn nước rút, rõ ràng, kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ, thực trạng doanh nghiệp kinh doanh vẫn rất khó khăn tiếp cận vốn, gánh nặng thuế và giá cả biến động...
Dẫn chứng, trong 10 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên cứ 10 doanh nghiệp thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, theo ông Cường, rào cản lớn trong tiếp cận vốn vay là ngân hàng không chấp nhận hàng tồn kho là tài sản đảm bảo, trong khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, đơn hàng giảm. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp...
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản.
"Đề nghị Chính phủ, Ngân hàng cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững trong tương lai", đại biểu Cường nói.
Giải trình về vấn đề điều hành tín dụng, tiếp cận tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, NHNN thiết kế các chính sách điều hành tiền tệ sẽ phải ứng phó với những diễn biến cấp bách trước mắt nhưng cũng phải thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ về trung và dài hạn. Có như vậy mới hướng đến để đảm bảo đảm bảo cân đối vĩ mô một cách bền vững.
"Tiếp cận tín dụng là vấn đề được các đại biểu quan tâm không chỉ ở một kỳ họp mà ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Bởi nội tại của nền kinh tế, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang thuộc các nước cao nhất thế giới. Theo thống kê, năm 2015, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 89,7% thì năm 2016 là 97,6%...cho tới năm 2022 đã là hơn 125%. Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo vấn đề này, do vậy đây là vấn đề luôn được quan tâm trong bối cảnh khó khăn hiện nay". Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc cho rằng, NHNN đã có nhiều giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cả bên cung vốn tín dụng và bên cầu vốn tín dụng. Cụ thể, đối với bên cung tín dụng, ngay từ đầu năm nay, cơ quan điều hành đã đưa ra chỉ tiêu, định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14% và đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%. "NHNN cũng đã điều hành linh hoạt hỗ trợ thanh quản của hệ thống để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Đối với chính sách bên cầu, theo Thống đốc, mặc dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng NHNN cũng mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới, giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. "Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới giảm khoảng 1% so với năm 2022 và so với trước đại dịch Covid-19 đã giảm khoảng 0,3%".
NHNN cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỷ đồng… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận tín dụng vẫn tăng chậm, cập nhật đến 27/10 thì tín dụng mới chỉ tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, Thống đốc cho rằng, để "cứu" tín dụng, Chính phủ, NHNN đẩy mạnh hơn nữa thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra và có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.
"Trước mắt Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những dự án ách tắc, "đắp chiếu" đó là về pháp lý. Hiện nay các bộ, các ngành và các địa phương đang quyết liệt để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Khi những yếu tố về pháp lý nhanh chóng được tháo gỡ thì ngay lập tức tín dụng sẽ bật tăng theo", Thống đốc nhận định.
Đồng thời nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam (SME) chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Họ đang rất khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiềm lực tài chính bởi khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng. Mặc dù NHNN đã ban hành Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn, song vẫn chưa thấm vào đâu.
"Từ thực tế này, NHNN đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các SME, có như vậy mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng", bà Hồng cho hay.
Về lãi suất, Thống đốc cho rằng, hiện nay một số khoản vay của doanh nghiệp vẫn phải chịu lãi suất cao, chủ yếu là những khoản vay cũ. Tuy quyền quyết định lãi suất cho vay ở mức nào là của ngân hàng thương mại, song lãnh đạo NHNN nhắc nhở, các ngân hàng phải điều hành lãi suất phù hợp với mặt bằng chung.
"Bên cạnh nhóm big 4 đã tiên phong hạ sâu lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là với các khoản vay cũ. Đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát để giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như là hồ sơ vay vốn, để rút ngắn quá trình xem xét tín dụng. Có như vậy mới tạo điều kiện để có thể hỗ trợ về tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân", Thống đốc nói.