Để kích đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị Chính phủ bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay
(DNTO) - Để tạo đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn nước rút, doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đổi mới công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đăng ký bảo hộ thương hiệu, quyền sở hữu công nghiệp cho hàng hoá xuất khẩu, chuyển đổi số…
Theo thống kê, tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, doanh số bán hàng thương mại điện tử trên nền tảng B2C (Shopee, Lazada, Tiktok, Tiki, Sendo) tăng trưởng 899% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 181.805 tỷ đồng. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử B2C năm 2023 sẽ vượt năm 2022 (16,4 tỷ USD), đạt 20,5 tỷ USD (chiếm 7,8 - 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước).
Rõ ràng, tiềm năng phát triển lớn đi đôi với nhu cầu vốn để doanh nghiệp phát triển cũng tăng theo. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả khảo sát, việc "tiếp cận vốn tín dụng" đang là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Kết quả khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây, từ 49,4% vào năm 2017 giảm xuống còn 17,8% vào năm 2022.
Trong khi đó, việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% tương đối thấp, chỉ khoảng 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất này; 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay. Rào cản tiếp cận được nguồn vốn vay này chính là tiêu chí “có khả năng phục hồi”, bởi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, chi phí sản xuất gia tăng và áp lực lạm phát lớn thì khó có thể đo lường và chứng minh doanh nghiệp đáp ứng được các chỉ tiêu để được nhận hỗ trợ.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp hiện muốn mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng không biết làm thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt của những thị trường khó tính như các nước trong Liên minh châu Âu…, một phần là do các doanh nghiệp còn thiếu năng lực cạnh tranh, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng các quy định của thị trường, phần nữa do các chiến lược, chính sách về tín dụng hiện chưa tiếp cận sát với nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo “Các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu cho các SMEs Việt Nam”, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách (Bộ Công Thương), ngày 26/10, cũng nhận định, việc xây dựng các chiến lược, chính sách về tín dụng còn "quay lưng" với nhu cầu của các SMEs, quá trình triển khai chiến lược, chính sách tín dụng còn bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ.
"Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được vay ưu đãi nhiều từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tập đoàn mẹ với lãi suất thấp, trong khi lãi suất vay của các SMEs Việt Nam cao nên bị thua ngay từ điểm khởi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu", ông Hội so sánh.
Do đó, để tiếp sức cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi sản xuất, đặc biệt là trong những tháng cao điểm cuối năm 2023, các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đối mới công nghệ để hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới để đáp ứng yêu cầu các tiêu chuẩn quốc tế, như về đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp cho hàng hoá xuất khẩu, chuyển đổi số…
Cụ thể, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nguyễn Anh Holding, một startup phân phối và xuất khẩu thực phẩm, kiến nghị để khối doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ hơn, cần có sự chia lửa hỗ trợ từ các chính sách, các ngân hàng.
"Bên cạnh việc giảm lãi suất, để nguồn vốn tiếp cận nhiều hơn tới doanh nghiệp, ngân hàng có thể xem xét đến việc cho vay căn cứ dựa trên tiềm năng sinh lời của sản phẩm, doanh nghiệp. Như vậy, sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa với những ý tưởng tốt có thể tiếp cận được nguồn vốn hơn", ông Tuấn đề xuất.
Cũng theo ông Tuấn, các ngân hàng cũng có thể lựa chọn thêm phương thức là chuyển khoản vay đó thành khoản đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp tiềm năng, từ đó, trở thành “nhà đầu tư thiên thần” của họ. Tuy nhiên, điều này cũng cần sự hỗ trợ, tạo thuận lợi từ các chính sách.
Bên cạnh tín dụng, để giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường quản trị chiến lược, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững.
"Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện mục tiêu này, cần có cơ chế hình thành quỹ phát triển công nghệ để tạo nguồn tài chính thường xuyên cho hoạt động khoa học và công nghệ trong doanh nghiệp", ông Hội đề xuất.
Đối với vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho rằng, phải là chuyển đổi thực sự, có chiến lược dài hạn, đầu tư. Có như vậy doanh nghiệp mới đáp ứng các quy định và theo nhịp xu hướng phát triển bền vững, có đơn hàng xuất khẩu.
Bà Linh lấy ví dụ về ngành dệt may, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD, khi xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới bắt đầu, ngành được kỳ vọng đón nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vào.
Tuy nhiên, dòng chảy vốn đầu tư ngành này lại đổ vào Bangladesh, nguyên nhân là vì quốc gia này đã "xanh hóa” rất nhanh ngành dệt may của mình. Rất nhiều nhà máy tại Bangladesh hiện nay đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Bằng chứng là 9/10 nhà máy "xanh" lớn nhất thế giới của ngành dệt may nằm ở Bangladesh.
Bên cạnh đó, bà Linh cũng nhấn mạnh, với doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tại, vấn đề họ quan tâm trước mắt là "ngày mai có đơn hàng hay không?". Bởi quy mô, nguồn vốn nhỏ, nên doanh nghiệp không có nguồn vốn để đầu tư cho những công nghệ cao, đòi hỏi quy mô đầu tư lớn.
Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, quan trọng nhất vẫn là sự chủ động của doanh nghiệp. "Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp về quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần xây dựng tầm nhìn chiến lược về ứng dụng công nghệ số trong công tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng vốn đầu tư cho chuyển đổi số. Doanh nghiệp có thể tìm kiếm vốn đầu tư từ Nhà nước, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, liên kết với doanh nghiệp cùng ngành nghề", bà Linh gợi ý.
Đặc biệt, khuyến nghị cần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để hỗ trợ cho các SMEs xuất khẩu trong việc tìm kiếm, phát triển thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh xuất nhập khẩu.