Vay thế chấp bất động sản không còn phù hợp, doanh nghiệp kiến nghị gói tín dụng mang tính đặc thù
(DNTO) - Hiện các doanh nghiệp tư nhân SMEs đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu, khiến các doanh nghiệp này chỉ được vay với số tiền rất "mỏng". Điều này đặc biệt trở nên cấp bách khi hầu hết nguồn hàng của họ cần thu mua mang tính thời vụ cao.
Huy động vốn chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu vốn
Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, chiều 20/10, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, hoạt động ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro về nguồn vốn khi huy động vốn mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu vốn tín dụng. Đến nay, huy động vốn tăng 8%, dư nợ tín dụng tăng 6%. Nhiều doanh nghiệp, người dân vẫn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
"Chưa có năm nào sự vật lộn của doanh nghiệp với những khó khăn đó lại vất vả như năm nay. Những tác động khách quan từ bên ngoài khiến chúng ta gặp khó khăn trong cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, không bán được hàng dẫn đến tồn kho gia tăng...,” Phó Thống đốc nói.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng khoảng trên 7% tùy từng hạng mục. Ông Nguyễn Văn Cửu, Phó giám đốc Công ty 2/9 - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất tại tỉnh Đắk Lăk với doanh số gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm cho hay, dư nợ vay của công ty ông niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, song thời điểm hiện tại chỉ còn 20 tỷ đồng, nguyên nhân là chưa đến mùa vụ.
"Nguồn vốn tín dụng trên địa bàn khoảng 62%, còn lại phải vay của các ngân hàng khác, trong đó có cả ngân hàng nước ngoài. Do đặc thù mùa vụ, mùa cà phê bắt đầu từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 9 năm sau nên khi hàng hoá vào kho chúng tôi phải có tiền trả cho nông dân, trong khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu phải có Hợp đồng ngoại thương. Do đó, nhiều khi doanh nghiệp nhập khẩu ép giá, chúng tôi vẫn phải chấp nhận để nhập hàng”, ông Cửu trần tình.
Nêu rõ khó khăn, bà Trần Thị Lan Anh, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp (hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê) chỉ rõ, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hiện nay đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu.
Thực tế, việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao. Các doanh nghiệp không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.
“25 năm qua trong quan hệ tín dụng ngân hàng, chúng tôi luôn làm tốt vai trò và trách nhiệm trong việc vay vốn tín dụng. Nhưng đến nay, vẫn không thấy sự thay đổi của điều kiện chính sách sản phẩm cấp tín dụng, chỉ duy nhất một phương án có tài sản đảm bảo là bất động sản bổ sung thì tăng hạn mức, điều này không phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động vay vốn sản xuất kinh doanh xuất khẩu, khiến chúng tôi không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài bởi hình thức cho vay này”, bà Lan Anh bày tỏ.
Đề xuất cung cấp gói tín dụng đặc thù mang tính thời vụ
Trong bối cảnh vay thế chấp bất động sản không phù hợp với doanh nghiệp xuất khẩu, để dễ tiếp cận nguồn vốn, nhất là trong giai đoạn nước rút, đại diện các doanh nghiệp đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng đặc thù riêng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có cà phê, thủy sản, hay cho các doanh nghiệp đầu ngành và có tính bền vững về lãi suất, room tín dụng, chính sách tài sản đảm bảo (hàng hóa), để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, đề nghị xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh gồm: Hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá, để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động về vốn.
“Tôi cũng đề xuất xem xét cho vay dựa trên uy tín của doanh nghiệp, người mua và bảo hiểm tiền phải thu. Các tổ chức tín dụng ưu tiên cấp hạn mức, mở rộng hạn mức, giải ngân cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê ngay từ thời điểm đầu vụ là từ tháng 10”, bà Lan Anh nói.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho vay tín chấp, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank lý giải để cho vay được tín chấp, ngân hàng cần phải kiểm tra tính minh bạch, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hiện có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra bắt cung cấp các báo cáo, đặc biệt là báo cáo thuế, nếu như báo cáo lệch nhau thì sẽ bị quy trách nhiệm.
Vì vậy, đối với vấn đề này, bà Bình khuyến nghị các các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường quản lý tài khoản dòng tiền, minh bạch tài chính, chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở cho vay vốn với những dự án mới hoặc tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động.
Tương tự, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị doanh nghiệp để tạo niềm tin cho ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực chuyển đổi số… để tăng khả năng tiếp cận vốn.