Chuyên gia ‘hiến kế’ giải bài toán tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp
(DNTO) - Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Hồi đầu tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đã bày tỏ: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
“Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất…, nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!”, ông Tú thẳng thắn nhìn nhận.
Câu chuyện các doanh nghiệp khó có khả năng tiếp cận tín dụng cũng được PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề cập tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, diễn ra hôm qua, 19/9. Ông nêu rõ, trong khi doanh nghiệp “khát vốn” cao độ thì dòng tiền lại không thể khai thông, điều này đã gây tác động tiêu cực không nhỏ đến nỗ lực tăng trưởng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân, đã chỉ ra điểm cản trở cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ, gói tín dụng, đó chính là thủ tục hành chính. Theo ông Thành, để các chính sách đến được doanh nghiệp, điểm quan trọng là phải cải cách, xử lý minh bạch về đối tượng cũng như đơn giản hóa thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ.
Mặt khác, ông Tô Trung Thành nhấn mạnh, để chính sách bao phủ được đối tượng thực sự cần hỗ trợ thì phải "tinh chỉnh" chính sách theo quy mô và ngành nghề. Theo đó, đưa ra chính sách hỗ trợ về tín dụng phù hợp hơn với đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Tập trung hỗ trợ những ngành, khu vực có độ lan tỏa đến các ngành, khu vực khác của nền kinh tế để sử dụng hiệu quả nhất trong quá trình khôi phục tổng cầu hiện nay.
Còn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng cũng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên về tư duy cần phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Từ tổng thể chung của nền kinh tế cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.
Đối với tín dụng, cần phải phân biệt rành mạch về khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.
Bên cạnh đó, cần tính đánh giá, toán kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, khi đề cập đến việc đẩy mạnh khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ quan tâm và tìm mọi cách điều hành chính sách lãi suất hợp lý, trên cơ sở bảo đảm lãi suất bình quân, lợi nhuận của nền kinh tế, an toàn cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp, và rộng hơn là bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Tú, để giải bài toán tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cũng cần nhìn ở hai phía từ các ngân hàng thương mại và bản thân các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cơ cấu lại, vì vay thương mại là khoản phải hoàn trả lại, sẽ cần đáp ứng một số yêu cầu, qua đó góp phần bảo đảm an toàn cho mỗi ngân hàng..