Đề xuất các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp
(DNTO) - Tại Hội nghị Toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, ngày 11/10, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đã nêu thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc các Hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, ngày 11/10, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chính thức ký ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới bắt đầu sự khởi đầu mới trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết 41-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành trong bối cảnh và sự cần thiết.
Nghị quyết 41 đề ra mục tiêu tổng quát phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc...
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh, Nghị quyết mới đề ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ bảo đảm thực hiện các quan điểm, mục tiêu đã xác định, phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Cụ thể, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
“Trong đó, ban hành Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới”, Phó Trưởng Ban Đỗ Ngọc An chia sẻ.
Với những nội dung mới được Nghị quyết 41 đề cập tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế cùng với sự ủng hộ của đội ngũ doanh nhân cả nước trong việc thực hiện, Phó Trưởng Ban Đỗ Ngọc An tin tưởng Nghị quyết 41 sẽ từng bước đi vào đời sống đi vào các hoạt động của đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước phát triển mạnh mẽ.
Cũng tại Hội nghị, TS Lê Minh Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam cho biết, hiện nay lĩnh vực tài chính cá nhân đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn chất lượng dịch vụ tư vấn tài chính đáng báo động, gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp tài chính.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính cá nhân ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các sản phẩm tài chính cá nhân, hướng phát triển của tư vấn tài chính cá nhân trong thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị, cần có các biện pháp để nâng cao trình độ dân trí tài chính thông qua việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế để xây dựng một chương trình chiến lược quốc gia tổng thể, dài hạn về giáo dục nâng cao dân trí tài chính nói chung và hoạch định tài chính cá nhân nói riêng.
Bà Đặng Thị Minh Phương - Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho biết, trong thời gian qua VCCI đã tổ chức rất nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại với Chính phủ để đề xuất chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất tích cực. Tuy nhiên, ngành logistics mong có những đối thoại chuyên sâu hơn về các ngành nghề.
"Chúng tôi mong muốn được đối thoại với Chính phủ, để có những đóng góp về mặt chính sách, từ đó phát triển ngành nghề sâu rộng hơn. Thông qua những đối thoại này, sẽ đưa ra chính sách mà chúng ta có thể thực thi nhằm thúc đẩy cho phát triển nền kinh tế và đặc biệt những ngành mũi nhọn của đất nước", bà Phương nói.
Hiện nay, ngành Logistics chiếm khoảng gần 20% GDP của Việt Nam. Đây là một ngành rất lớn, khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia. Bởi vì Logistics phát triển sẽ thu hút đầu tư nước ngoài và là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế. Hy vọng trong thời gian tới, ngoài những xúc tiến, đối thoại chung, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để thực hiện các đối thoại chuyên sâu với từng ngành nghề cụ thể.