Trước cáo buộc thao túng tiền tệ, đâu là giải pháp cho kinh tế Việt Nam?
(DNTO) - Mới đây tại trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên của trường đã có những chia sẻ về các giải pháp để Việt Nam đề ra những chiến lược và giải pháp khắc phục các hệ quả từ cáo buộc này.
Trước đó, ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ".
Tại báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ xem xét các đối tác thương mại đáp ứng các tiêu chí sau: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.
Bộ Tài chính Mỹ đánh giá Việt Nam cùng với Thụy Sỹ đáp ứng 3 tiêu chí nêu trên và xác định là thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.
Đây không phải lần đầu xuất hiện những cáo buộc từ Mỹ về việc Việt Nam thao túng tỉ giá. Năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ từng đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi và đã đánh thuế mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam khi cho rằng mặt hàng này “đội lốt” sản phẩm từ Trung Quốc.
Thực tế thì các tiêu chí theo dõi, đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không của Chính phủ Mỹ hiện vẫn khá mơ hồ, còn tùy tiện và bất hợp lý.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá động thái này của Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt áp lên các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đến quốc gia này trong thời gian tới.
Chia sẻ về chủ đề này, chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đề ra những giải pháp để Việt Nam có thể đối phó các hệ quả xấu từ cáo buộc này.
Theo ông Tuấn, vào thời điểm mà các cáo buộc mới được đưa ra, chiến lược chính trị và ngoại giao là vô cùng quan trọng. Việt Nam cần phải chứng minh sự minh bạch của mình bằng các biện pháp vận động hành lang và tranh thủ sự ủng hộ của các kênh, các tổ chức uy tín.
Về ngắn hạn, ông Tuấn cho rằng cần yêu cầu làm rõ các căn cứ cáo buộc của Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) và Bộ Tài chính Mỹ (USDT) về các cáo buộc; điều hành tỉ giá linh hoạt hơn theo tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại hối tối thiểu dựa theo khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ này.
Về chiến lược dài hạn hơn, chuyên gia kinh tế của Đại học Fulbright cho rằng Việt Nam cần xây dựng một khuôn khổ chính sách hiện đại hơn, nỗ lực kiểm soát lạm phát, cải thiện chất lượng dữ liệu tài chính và giảm phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, sử dụng các công cụ giám sát ngân hàng theo chuẩn mực Basel.
"Chúng ta nên tăng cường khả năng chống chịu bằng các khuôn khổ chính sách mạnh mẽ hơn. Mở cửa thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số, thanh toán điện tử cũng như các lĩnh vực xương sống khác, giúp tăng sức cạnh tranh của khu vực nội địa, cải cách cơ cấu và năng suất. Đặc biệt cần phải khuyến khích và thu hút hơn nữa nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ, thực hiện cam kết cải cách theo các FTA thế hệ mới.
Tôi cho rằng đây là các giải pháp cần thiết để hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực từ các cáo buộc do ngành tài chính Mỹ đưa ra", ông Anh Tuấn cho biết.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung, nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.
Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.