TP.HCM: Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình “Bình ổn giá thị trường”
(DNTO) - Sở Công thương TP.HCM vừa triển chương trình “Bình ổn giá thị trường” với nhiều mặt hàng có biến động tốt, nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng an tâm chuẩn bị đón Tết nguyên đán Tân Sửu 2020.
Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, các doanh nghiệp tham gia chương trình “Bình ổn thị trường” chiếm từ 30% – 40% thị phần, các chợ đầu mối chiếm 60 – 70% thị phần, các doanh nghiệp khác chiếm 10 – 20% thị phần.
Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia
Năm 2020, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình “Bình ổn thị trường” theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình là 80 doanh nghiệp, gồm: 39 doanh nghiệp lương thực, thực phẩm; 10 doanh nghiệp mùa khai giảng; 5 doanh nghiệp sữa; 14 doanh nghiệp dược; 12 tổ chức tín dụng. Trong đó có nhiều đơn vị quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.
Chương trình có sự góp mặt của các đơn vị chủ lực về hoạt động phân phối như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, BigC, Aeon Citimart… Một số đơn vị cung ứng chủ lực các mặt hàng lương thực, thực phẩm như: Vissan, Sagrifood (thịt gia súc), Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt (trứng gia cầm); Foodcosa, Vinh Phát, Tấn Vương (gạo); Thành Thành Công (đường); Colusa – Miliket, Bình Tây (mì, bún, phở khô); San Hà, Long Bình, Feddy (thịt gia cầm); Phong Thúy, Thảo Nguyên, Phước An (rau củ quả); Liên Thành (nước mắm)…
Dự kiến, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết , tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.
Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4 – 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12 – 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22 – 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho thành phố như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, các tỉnh miền Trung, miền Bắc... để hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ đưa hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối thành phố và ngược lại.
Các chợ đầu mối tăng cường mọi hoạt động
Theo báo cáo, lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường (15.000 – 16.000 tấn/ngày).
Các chợ sẽ tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá; hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ban quản lý các chợ đã có phương án tăng cường tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Hàng hóa phong phú
Tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hiện đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 – 3 lần so với tháng thường.
Về các mặt hàng bia, nước giải khát, các doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết với giá cả ổn định: Heineken 405.000đồng/thùng, Tiger 335.000đồng/thùng, bia 333 Sài gòn 255.000đồng/thùng, bia Budweiser 320.000đồng/thùng (loại 20 lon), coca cola 180.000đồng/thùng.
Về các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... các công ty sản xuất bánh kẹo năm nay tiếp tục tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau như: bánh Bibica Warmly (hộp thiếc 100.000đồng/hộp); Bibica Goody 208.000đồng/hộp, Lambertz 589.000đồng/hộp... Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm phân khúc dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân.
Đối với mặt hàng hoa, dự kiến dịp Tết, thị trường thành phố tiêu thụ khoảng 600.000 – 700.000 chậu mai, 250.000 – 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Nhằm giúp người dân có điều kiện tham quan, thưởng lãm, mua sắm hoa xuân, đồng thời hỗ trợ nhà vườn các tỉnh thành lân cận tiêu thụ hoa kiểng, thành phố dự kiến tổ chức Hội Hoa Xuân tại Công viên Tao Đàn và 179 chợ hoa Tết khác trên địa bàn thành phố.
Nhìn chung, dự báo thị trường Tết trên địa bàn TP.HCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao, giá cả hợp lý, nhiều doanh nghiệp sẽ có điều kiện mở rộng thị phần và mạng lưới phân phối; đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm Tết của người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.