Tìm cách giảm sức ép lên tỷ giá để tạo dư địa điều hành lãi suất hỗ trợ nền kinh tế
(DNTO) - Dự báo tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,5% so với đầu năm, đạt 24.460 VND vào cuối năm là trở ngại chính cho đà giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại. Trong kịch bản tiêu cực nhất, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu, nhưng nước đi này phải cân nhắc kỹ.
Dự báo tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,5% so với đầu năm
Trong báo cáo vĩ mô tháng 9 mới đây, các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định từ nay tới cuối năm, áp lực tỷ giá vẫn "nóng" ít nhất cho tới tháng 11 khi sức mạnh đồng USD được dự báo sẽ duy trì ở mức cao. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay khiến áp lực lên tỷ giá vẫn "lăm le" cơn sốt lặp lại.
Theo diễn biến giao dịch niêm yết trong tháng 8 - 9, VND giảm giá 2,5% so với đồng USD, đưa mức giảm lên khoảng 3% kể từ đầu năm. Tỷ giá giao dịch tại hệ thống ngân hàng và thị trường tự do không có sự khác biệt lớn và còn cách xa so với tỷ giá trần quy định bởi NHNN hay tỷ giá bán tại Sở giao dịch NHNN khoảng 25.000 đồng VND/USD, thị trường hoạt động liên tục và không xảy ra hiện tượng thiếu hụt.
Tính riêng tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được NHNN công bố tăng 8 đồng. Trong ngày giao dịch cuối tuần 14/10, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.077 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.281 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.873 VND/USD.
Cùng lúc, giá đồng USD được Vietcombank niêm yết ở mức 24.245 - 24.615 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng tăng 65 đồng ở chiều mua vào và bán ra. Trước đó, báo cáo cập nhật tuần từ 2 - 6/10 của NHNN ghi nhận, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.141.596 tỷ đồng, bình quân 228.319 tỷ đồng/ngày, giảm 30.032 tỷ đồng/ngày so với tuần trước; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 352.389 tỷ đồng, bình quân 70.478 tỷ đồng/ngày, tăng 3.279 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (89% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (4% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 64% và 33%. Theo đánh giá của giới chuyên môn, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng "nóng" trong 2 tháng trở lại đây là trở ngại chính cho đà giảm lãi suất ở thời điểm hiện tại, bên cạnh một số yếu tố khác như: Nợ xấu ngân hàng còn ở mức cao, và NHNN giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ngay từ đầu tháng 10/2023.
Mặc dù dường như mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4.5% có thể đạt được một cách thuận lợi, nhưng việc tốc độ tăng ngày một nhanh trong các tháng gần đây đang nhắc nhở các nhà điều hành không được chủ quan với lạm phát.
Theo đó, trong nhận định Báo cáo Chiến lược tháng 10/2023 mà các chuyên gia của KBSV vừa công bố, đã nâng dự báo lạm phát lên 0,2 % so với Báo cáo Chiến lược tháng 9/2023, đạt 3,6% khi số liệu lạm phát tháng 9 tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, do lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7; nhu cầu mua sắm trong các dịp lễ, tết cuối năm; giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao; chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đầu tư công các tháng cuối năm, từ đó áp lực lên lạm phát. Ở chiều ngược lại, sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (CNY) giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát...
Đặc biệt, với những diễn biến trong nước và quốc tế gần đây, các chuyên gia của KBSV nhận định, áp lực tỷ giá trong giai đoạn cuối năm vẫn lớn do chênh lệch lãi suất USD và VND vẫn duy trì ở mức cao; xu hướng mạnh lên của đồng USD vẫn tiếp tục duy trì; nền kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng.
"Tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,5% so với đầu năm, đạt 24.460 VND vào cuối năm. Áp lực tỷ giá sẽ là yếu tố kìm hãm xu hướng giảm của lãi suất trong thời gian tới, mặc dù khi so sánh tương quan với các nền kinh tế khác thì mức độ mất giá của VND vẫn ở trong tầm kiểm soát", KBSV dự báo.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/10 vừa qua, liên quan đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, trước ý kiến cho rằng, lạm phát thấp, lãi suất cao là nghịch lý thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cân nhắc bởi ý kiến này cũng chỉ nhìn về vấn đề lạm phát và lãi suất, còn điều hành về lãi suất cũng như các công cụ của chính sách tiền tệ phải căn cứ vào các dự báo xu hướng của lạm phát trên thế giới và trong nước để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
"Nếu xu hướng lạm phát có thể bùng lên thì chính sách tiền tệ cũng phải tính đến việc phòng ngừa và chuẩn bị cho xu hướng thắt chặt”, Thống đốc nhấn mạnh.
"Ghìm cương" sức ép lên tỷ giá
Trên thực tế, để giảm bớt áp lực lên tỷ giá, NHNN mới đây đã kích hoạt trở lại hoạt động phát hành tín phiếu sau khi tạm ngưng từ đầu tháng 3/2023. Như vậy đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã có 13 phiên liên tiếp phát hành tín phiếu và hút ra khỏi hệ thống tổng cộng gần 145.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO Công ty AFA Capital cho biết mục tiêu phát hành tín phiếu của NHNN trên thị trường mở thông thường nhằm điều tiết lãi suất thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, việc phát hành tín phiếu cũng có tác dụng rút bớt tiền từ các ngân hàng thương mại về NHNN. Hiện nay, bối cảnh chung cho thấy dòng tiền đang đang khá dồi dào trong hệ thống ngân hàng, nhưng lại chưa đưa ra được nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế sự báo thời gian tới NHNN sẽ là đồng thời 2 nhiệm vụ, một mặt hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn, lượng hút vừa đủ để cân bằng tỷ giá bước đầu và không gây ra căng thẳng thanh khoản liên ngân hàng. Song song với đó là tiếp tục ban hành các chính sách giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm và tín dụng khơi thông. Hành động này của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế.
Còn lãnh đạo Công ty chứng khoán Maybank nhận định, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng và với bước đi khôn ngoan này NHNN chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái. NNHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ, sao cho đạt các mục tiêu là đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên. Từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá mà không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế sẽ tiếp tục xu hướng giảm.
"Vào thời điểm tháng 9, 10 năm ngoái, NHNN đã phải mạnh tay nâng lãi suất thêm 2 điểm % để hạn chế ảnh hưởng khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 20 năm. Trong khi đó tại năm nay, NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất khiến chênh lệch lãi suất VND và USD kỳ hạn qua đêm đã liên tục tăng và duy trì trên dưới mức 5% kể từ tháng 8/2023", chuyên gia Maybank đánh giá.
Về phía nhà điều hành, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “NHNN điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá".
Trong khi đó, chuyên gia Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) giữ nguyên quan điểm về tỷ giá sẽ biến động quanh vùng 24.500 đồng/USD và giảm trở lại vào cuối năm. Tuy nhiên, rủi ro đối với dự báo là đồng USD tăng vượt ngưỡng 110, dẫn đến việc NHNN phải bán bớt dự trữ ngoại hối để đối phó với việc tiền đồng mất giá mạnh hơn.
“Trong kịch bản tiêu cực nhất, chỉ số DXY (là chỉ số đo lường sức mạnh của đồng USD so với 6 loại tiền tệ khác là EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng vượt 110, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu. Và điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ,” chuyên gia VDSC nhìn nhận.