'Soi' lãi suất và tỷ giá sau quyết định tăng lãi suất của Fed
(DNTO) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, mức cao nhất trong vòng 22 năm. Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những rủi ro liên quan đến tỷ giá, lãi suất và "đảo chiều" của dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn khá "yên ả".
Tỷ giá nhích tăng nhưng không đáng ngại
Mặc dù động thái tăng lãi suất của Fed nằm trong dự đoán của các nhà đầu tư và chuyên gia, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá và lãi suất trong nước.
Hiện trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index (DXY) đo lường USD với 6 đồng tiền chủ chốt đứng ở mức 100,96 điểm, tăng rất nhẹ so với phiên trước. Ở trong nước, tỷ giá trung tâm hiện được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.746 VND/USD, giảm 14 đồng so với trước đó. Trong khi ở các ngân hàng thương mại, giá USD bán ra đồng loạt tăng 5-20 đồng so với phiên giao dịch hôm qua (27/7).
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, sau lần điều chỉnh lãi suất này, Fed sẽ duy trì lãi suất đi ngang trước khi giảm dần về 5% vào đầu năm 2024 và về mức 3% vào năm 2025. Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng được dự báo hạ lãi suất về 3,75% vào cuối năm 2024 và 3% vào năm 2025.
Vì thế, USD sẽ giảm giá và đa số các đồng tiền khác sẽ tăng giá trở lại. Về VND, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, VND sẽ chỉ mất giá từ 0-0,5% so với USD trong năm 2023. Năm 2024, mức biến động lớn hơn nhưng chỉ dao động từ 0,5-1%. "Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn đã giảm nhiều so với trước. Nếu đây là lần tăng lãi suất cuối của Fed thì áp lực sẽ không quá nhiều".
Nêu quan điểm, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc Fed tăng lãi suất mặc dù có chịu ảnh hưởng nhưng giá trị của đồng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ổn định vững vàng so với đồng USD. Đây là một trong những lý do dự báo mặt bằng lãi suất trong nước từ giờ đến cuối năm ổn định, thậm chí có thể đi xuống.
Về mặt lý thuyết thì với việc Fed tăng lãi suất, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ có lợi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là đồng USD tăng giá đồng nghĩa người dân Mỹ cũng như một số nước sẽ thắt chặt chi tiêu. Điều này gây tác động tới việc xuất khẩu của Việt Nam. Các ngành dệt may, nông sản… xuất khẩu đều giảm. Mới đây, ngành điều đã xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu.
“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang xuất siêu sang thị trường Mỹ, do đó nguồn thu đồng USD về Việt Nam vẫn tích cực. Chúng ta chỉ cần tích cực kiểm soát nhập khẩu, kiểm soát tỷ giá ở trong nước bằng cách cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu và tôi tin rằng NHNN sẽ có những bước cần thiết để kiểm soát tác động này", ông Thịnh nói.
Trên thực tế, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến tỷ giá giữa USD và VND hầu như đi ngang nhờ những thông tin tích cực về nguồn cung ngoại tệ. Thị trường ngoại hối vẫn được hỗ trợ khá tốt bởi nguồn cung ngoại tệ dồi dào, với số liệu cán cân thương mại tích cực trong nửa đầu tháng 7 và thông tin từ dòng tiền kiều hối ở TPHCM có mức tăng trưởng lên tới 37% so với cùng kỳ - đạt mức 4,3 tỷ USD.
Do đó, SSI dự báo tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong khoảng 0,7% so với năm trước, tuy nhiên VND sẽ có thể có nhiều biến động mạnh trong quý 3 do sự phân kỳ chính sách tiền tệ có thể đạt đỉnh.
Lãi suất sẽ tiếp tục “rơi”
Các chuyên gia dự báo, với diễn biến lãi suất điều hành của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, cộng với tình hình kinh tế và lạm phát hiện nay, NHNN có thể sẽ giảm thêm một đợt lãi suất điều hành vào cuối năm nay.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định, trước đà tăng trưởng yếu của nền kinh tế, NHNN đã hành động quyết liệt hơn chúng tôi dự đoán, bằng cách cắt giảm lãi suất tái cấp vốn tổng cộng 150 điểm cơ bản vào tháng 6, xuống còn 4,50%.
"NHNN thiên về chính sách nới lỏng hơn và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong quý 3/2023. Hoạt động xuất khẩu yếu với khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, Fed tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và có thể giảm lãi suất vào năm 2024, niềm tin vào tỷ giá hối đoái VND ổn định, bất chấp các đợt giảm lãi suất trước đó, đã thúc đẩy triển vọng cắt giảm lãi suất tiếp theo của Việt Nam trong năm nay. Do đó, chúng tôi dự đoán, lãi suất sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý 3/2023 trước khi NHNN tạm dừng để đánh giá các tác động", ông Quang cho hay.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, thời gian tới, dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm khi việc giảm lãi suất điều hành đã thẩm thấu hơn và theo chỉ đạo chung của Chính phủ (phấn đấu giảm 1,5-2%), cùng với nỗ lực giảm chi phí và cân đối vốn của các tổ chức tín dụng.
"Lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý 4/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025. Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường quốc tế và tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay, chú trọng thêm phần thực thi và phối hợp giữa các chính sách", ông Lực nói.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong bối cảnh lạm phát lõi của mỹ vẫn còn nóng. Đó là quyết định táo bạo và "liều," bởi lẽ lạm phát Việt Nam giảm nhưng lạm phát cơ bản 6 tháng vẫn neo cao 4,74%, tốc độ giảm lạm phát cơ bản chậm. Điều đó cho thấy mức độ "dính" của lạm phát rất cao ở Việt Nam.
"Năm nay lạm phát bình quân có thể kiểm soát nhưng độ trễ của chính sách và câu chuyện lo lắng về lạm phát đối với nhà điều hành không chỉ dừng ở năm 2023 mà tiếp tục trong năm 2024,” ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định và thông tin, sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu để "cứu" kinh tế. Việc Việt Nam đảo chiều chính sách sớm, vì sức ép suy thoái của kinh tế Việt Nam đến nhanh hơn so với Mỹ, vì vậy NHNN phải hành động sớm hơn.