Thủ tướng: Sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp".
Chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ngày 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều cuộc làm việc với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song, đây là lần đầu tiên Thường trực Chính phủ làm việc chuyên đề riêng với doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân - là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Đến nay, theo các báo cáo, kinh tế tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới.
Trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường.
Thủ tướng cũng cho biết, ông cảm nhận rất rõ sự tham gia của các doanh nghiệp trong khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ như siêu bão Yagi vừa qua, Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Trong bối cảnh chuẩn bị tổng kết 40 năm đổi mới, đất nước đang trong giai đoạn chuyển mình, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đóng góp cho đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, đất nước đang có khí thế phát triển mới rất rõ, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Cũng tại Hội nghị, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay Việt Nam đã có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Theo đánh gia của Bộ trưởng Dũng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, tuy nhiên, chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn, hydrogen... còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...