Doanh nghiệp mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không đơn thuần là đúng luật

(DNTO) - Theo chuyên gia, việc thực thi chính sách hoàn toàn có thể cải thiện mà không sai về luật. Ví dụ chỉ cần giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn cũng giúp doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội hơn.

Việc nỗ lực cải thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách sẽ giảm tải gánh nặng thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: T.L.
Cơ hội và thiệt hại có thể chỉ trong vài ngày
15 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, ông Hoàng Đình Kiên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp vận Hoà Phát cho biết công ty đã được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách dành cho khối doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng đầu tư tài sản và doanh thu của công ty đã tăng gấp 15 lần.
Trong toạ đàm 'Cải thiện môi trường đầu tư: Tiếp sức cho doanh nghiệp Việt' hôm 19/9, ông Kiên cho rằng xét từ góc độ doanh nghiệp, việc không vi phạm pháp luật là điều không phải phàn nàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp thiệt hại khi việc giải quyết nhiều thủ tục hành chính còn chậm.
Ông Kiên nêu ví dụ từ một khách hàng của công ty này đầu tư dự án ở một địa phương, muốn tăng vốn đầu tư từ 3 triệu USD lên 8 triệu USD nhưng phải mất gần 3 tháng mới hoàn tất thủ tục; trong khi theo quy định chỉ cần 15 ngày. Doanh nghiệp cho biết dù làm đúng luật nhưng sự hỗ trợ tận tâm từ cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được như mong đợi.
“Chúng tôi kỳ vọng cơ quan quản lý cần có tư tưởng hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa. Chúng tôi không yêu cầu gì vượt quá giới hạn, chỉ cần hướng dẫn cặn kẽ và nhiệt tình để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay. Nếu cần, tổ chức cuộc họp và giải quyết vấn đề kịp thời”, ông Kiên bày tỏ.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng thể chế, chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cũng thừa nhận rằng việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, các Nghị quyết; Hiến pháp bằng các điều luật cụ thể vẫn là một thách thức. Nói cách khác, thể chế kịp thời, đầy đủ…nhưng bao lâu thì chủ trương trở thành quy định cụ thể? Đã có luật rồi thì thực thi luật như thế nào?
Theo vị này, về mặt vĩ mô, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu cùng một thủ tục nhưng các địa phương, các cơ quan khác nhau thực hiện khác nhau thì đôi khi doanh nghiệp sẽ rơi vào hoàn cảnh cạnh tranh không bình đẳng. Hay việc hạn chế về hạ tầng, ví dụ như việc khai trực tuyến, nhiều khi nghẽn mạng, hạ tầng hay phần mềm không thuận lợi… thì rõ ràng nó ảnh hưởng rất nhiều đến thực thi. Đấy là điều thực tiễn đang diễn ra.
“Cùng một thủ tục, nếu nơi này chậm hơn nơi khác thì doanh nghiệp có thể kém thuận lợi hơn. Hay cùng một thủ tục nhập khẩu, nhưng ở cảng này giải phóng hàng nhanh hơn, cảng kia chậm hơn thì có những doanh nghiệp có thể bị thiệt hại vì hàng ra bán trước. Trong quá trình thực thi có thể không sai về luật; ví dụ trong vòng 5 - 10 ngày chúng ta vẫn cấp, nhưng đối với doanh nghiệp cấp sớm 1-3 ngày có thể là cơ hội kinh doanh, nhưng cấp muộn 1-3 ngày nó có thể là thiệt hại”, ông Hiếu phân tích.
Vị chuyên gia lấy ví dụ về Nghị quyết 41 về doanh nghiệp, doanh nhân. Đây là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời. Chính phủ đã có chương trình hành động, nhưng từ chương trình hành động của Chính phủ chuyển thành các điều, khoản quy định cụ thể như thế nào để doanh nghiệp được hưởng lợi.
“Từ góc độ của doanh nghiệp rất mong thực thi chính sách phải tốt hơn chứ không chỉ đơn thuần là đúng luật. Kinh nghiệm quốc tế có câu "vượt lên trên sự tuân thủ", tức luật quy định như vậy nhưng người ta luôn mong muốn các đối tượng thực hiện tốt hơn ngay cả khi luật không yêu cầu”, ông Hiếu bày tỏ.
Cần những chính sách chuyên sâu, tập trung

Nghị quyết 41 được xem là cú hích chính sách dành cho doanh nghiệp, doanh nhân; tuy nhiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi ở các cơ quan bên dưới, các địa phương để đạt mục tiêu Nghị quyết. Ảnh: T.L.
Luật sư Lê Anh Văn, Uỷ viên Ban Thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng một trong những trở ngại chính hiện nay là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án, nhất là trong việc tiếp cận đất đai và quy hoạch.
Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục những bất cập này, nhằm tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, nhất quán hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực thi ở cấp cơ sở vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa tính hợp pháp và hợp lý. Việc sửa đổi luật và nghị định có thể kéo dài và tốn kém, làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư. “Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp buộc phải ưu tiên tính hợp lý để giải quyết các vấn đề ngắn hạn, nhưng điều này không hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý hiện hành”, ông Văn nói.
Ngoài ra, vị luật sư cho rằng các chính sách hỗ trợ hiện nay vẫn còn dàn trải và thiếu tập trung. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 41 đề ra, cần phải có những chính sách chuyên sâu, tập trung vào lợi thế cụ thể của đất nước. Điều này sẽ giúp khơi dậy tiềm năng phát triển của doanh nghiệp. Nghị quyết 41 đã nhận định và đưa ra các mục tiêu, quan điểm rõ ràng về những vấn đề này, từ đó có thể xây dựng các giải pháp phù hợp.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Tiếp vận Hoà Phát cho rằng các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần được trao quyền và phát huy vai trò nhiều hơn trong việc tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ công mà Nhà nước có thể chuyển giao. Điều này sẽ giúp giảm tải cho bộ máy công quyền, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong hoạt động kinh doanh.