11 tháng ‘xây tổ đón đại bàng’ bán dẫn của Đà Nẵng
(DNTO) - Thành phố miền Trung Việt Nam chỉ mất 11 tháng để xây dựng và hoàn thiện cơ chế đặc thù liên quan đến ngành vi mạch bán dẫn. Đây là khoảng thời gian ấn tượng đối với các nhà làm chính sách.
Một sự quyết tâm lớn
“Tháng 10 năm ngoái, Đà Nẵng lần đầu tổ chức hội thảo về vi mạch bán dẫn. Đến hôm nay tôi thật sự bất ngờ khi biết thành phố chỉ mất 11 tháng để xây dựng, trình Quốc hội thông qua nghị quyết 136/2024 với nhiều cơ chế đặc thù liên quan ngành này. Đây là khoảng thời gian quá sức ấn tượng với những người tham gia làm chính sách”.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) chia sẻ như vậy khi tại sự kiện Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024, hôm 30/8.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết từ cuối năm 2023, Thành phố nhanh chóng đón bắt thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư cũng như triển khai đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
“Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng. Nvidia, Qualcom, Intel... đã đến khảo sát cơ hội đầu tư tại Đà Nẵng và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố. Ngoài ra, Tập đoàn Foxlink, một trong các doanh nghiệp hàng đầu của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã đầu tư vào thành phố 135 triệu USD và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới”, ông Trinh nói.
Theo lãnh đạo của Đà Nẵng, thành phố xác định công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Nhưng đây là những lĩnh vực mới, phức tạp, đồng thời việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, dài hạn để phát triển bền vững.
Vì vậy, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết sau khi Nghị quyết 136 được thông qua, thành phố cũng đang dự thảo xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo nhằm cụ thể hóa các nội dung ưu đãi hỗ trợ, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Hàng loạt ưu đãi được tung ra
Cũng tại sự kiện, Đà Nẵng đã công bố hàng loạt ưu đãi vượt trội dành cho nhà đầu tư, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn căn cứ theo Nghị quyết 136. Nổi bật như chính sách cho nhà đầu tư chiến lược thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chính sách tính chi phí được trừ của hoạt động R&D, được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thủ tục về thuế và được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị, công nghệ, đầu tư dự án mới; chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân, chính sách hỗ trợ chi phí tào tạo, bồi dưỡng chuyên gia…
Thành phố cũng đặt mục tiêu “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam để đón sóng đầu tư. Tại dự thảo Đề án Phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ đào tạo, bồi dưỡng, thu hút ít nhất 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn.
Về cơ cấu lĩnh vực, có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói cung cấp nguồn nhân lực ưu tiên cho Đà Nẵng và hướng đến các địa phương khác trong cả nước, một số thị trường quốc tế có hợp tác với Đà Nẵng.
“Trước mắt, Đà Nẵng sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực có đủ khả năng làm việc trên phạm vi toàn cầu. Đây là một trong những mục tiêu rất lớn, chứ không phải đào tạo nhân lực phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà hướng tới nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu”, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đưa Khu công viên phần mềm số 2 vào hoạt động từ cuối năm 2024. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã có tờ trình Chính phủ công nhận Khu công viên phần mềm số 2 là Khu công nghệ thông tin tập trung. “Đây là một trong những điều rất phấn khởi đối với thành phố”, ông Quảng nói.
Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng cũng bắt tay với hàng loạt các “ông lớn” như Synopsys, Viettel, Sovico, Marvell Việt Nam, Makara Capital Partners về việc hợp tác và hỗ trợ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.Đà Nẵng.
5 năm qua (2019-2023) doanh thu ngành thông tin và truyền thông của Đà Nẵng đạt 163.039 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 560 triệu USD. Kinh tế số chiếm tỷ trọng 20,69% GRDP thành phố, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2025 là 20%.
6 tháng đầu năm nay, doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng ước đạt 8.307 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP toàn nền kinh tế thành phố. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ.