Thị trường nội địa, chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp Việt trong ‘bão’ Covid-19
(DNTO) - Đại dịch Covid-19 khiến giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn, việc xuất khẩu bị đóng băng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân. Đây là hướng đi đúng đắn giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành.
Thị trường trong nước là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp Việt
Dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết các doanh nghiệp lao đao, nguồn cung đứt gãy, việc giao thương, ký kết các hợp đồng mới của các doanh nghiệp xuất khẩu hầu như không được thực hiện, các doanh nghiệp đứng trước vô vàn khó khăn.
Tuy nhiên, ngay trong lúc gian nguy nhất, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng cần phải tập trung nghiên cứu và khai thác thị trường trong nước, đây chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp Việt mở rộng thị phần, thay vì phải khó khăn khi đi khai thác thị phần xa trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.
Chia sẻ về việc chuyển hướng khai thác thị trường nội địa, ông Tăng Đình Đại, CEO Công ty TNHH DH Hoàng Minh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, cho biết, trong khi 90% doanh nghiệp trong ngành du lịch lao đao, thì doanh nghiệp của ông vẫn duy trì hoạt động, thậm chí tăng trưởng tốt. Ông Đại cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để vượt qua khó khăn chính là sự liên kết, tìm các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực để thiết kế các giải pháp mới, tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.
“Khi dịch xảy ra, các doanh nghiệp du lịch đã cùng ngồi lại bàn bạc, tổ chức cùng nhau để đàm phán với các hệ thống resort, khách sạn, để những đơn vị này có những chính sách và chia sẻ những chính sách đó với những doanh nghiệp làm du lịch, đặc biệt là những doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Quan trọng nhất, các doanh nghiệp cùng chung vai, giúp đỡ lẫn nhau để chia sẻ những khó khăn chung của ngành”, ông Đại nói.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hơn 80% sản phẩm thời trang từ lụa của Công ty cổ phần thương mại HANHSILK đều xuất khẩu sang thị trường châu Âu, còn khoảng 20% tiêu thụ trong nước. Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HANHSILK cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến việc giao thương xuất khẩu hàng hoá bị đình trệ, hàng hoá không xuất khẩu được, như nhiều doanh nghiệp khác, công ty cũng chịu tổn thất rất lớn.
Ngay lập tức, công ty đã lên phương án tập trung vào thị trường nội địa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Ngay khi quay lại “sân nhà”, đơn vị này đã phát triển mạnh về thương mại điện tử và đã được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Việt Nam là một trong những nước thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên về lâu dài, khi doanh nghiệp hướng về thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, giảm phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển có thể bổ sung một phần, thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Hiện, khoảng 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD/ngày.
“Nếu duy trì được tốc độ hiện tại, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm 1 triệu người tham gia nhóm tiêu dùng này”, WB cho hay. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực sản xuất để nâng chất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, như vậy mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng hàng hóa để chiếm thị trường nội địa
Nhận định về tầm quan trọng của thị trường nội địa trong bối cảnh hiện nay, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, để khai thác tốt thị trường nội địa trong bối cảnh “bình thường mới”, khi dịch bệnh được đẩy lùi, bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như tiếp cận nhanh nhất với thương mại điện tử, 4.0...
Về lâu dài, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, muốn phục vụ việc kích cầu thị trường nội địa cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh, đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông, các dịch vụ logistics, cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm bảo đảm cho hàng hóa sản xuất ra được giao dịch một cách công khai minh bạch trên thị trường, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Phú chỉ rõ, muốn phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng cá nhân trước hết cần phải phải tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động trong toàn xã hội. Muốn tăng sức mua xã hội cần phải tăng cung hàng hóa có chất lượng, có giá cả cạnh tranh, mẫu mã hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra theo ông Phú, muốn kích cầu thị trường nội địa, cần phải xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất và hệ thống phân phối quốc gia, bao gồm các vùng sản xuất tập trung theo thế mạnh. Đi đôi với các trung tâm dự trữ hàng hóa, nhà máy chế biến, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics… cần sớm thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nhằm đảm bảo cho hàng hóa được giao dịch một cách công khai, minh bạch trên thị trường.