Thị trường bất động sản chờ cơ hội gỡ 'rào cản' pháp lý để bùng nổ
(DNTO) - Thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn sẵn sàng bùng nổ, nhưng nhiều trở ngại và lực cản, nhất là về hành lang pháp lý và tài chính, vẫn đang kìm hãm sự phát triển của thị trường, doanh nghiệp bất động sản.
Tại hội thảo về “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”, ngày 25/11, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, thị trường bất động sản được ví như "sếu đầu đàn" đi tiên phong, dẫn dắt các nhà đầu tư khác đến, làm nên sự sôi động và phát triển của các địa phương... Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều khó khăn tồn tại ghìm đà phát triển của phân khúc này.
Cụ thể là một số chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...
Cùng với đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, dư thừa bất động sản cao cấp, thiếu hụt lớn ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân. Bên cạnh đó, tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương còn rất chậm...
Một bất cập nữa, giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị, quá "nóng" so với mặt bằng thu nhập chung của người dân.
"Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc, đặc biệt là đất nền, tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi", ông Sinh nhận định.
Bên cạnh đó, hoạt động về giao dịch bất động sản còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt, còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa hình thành hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
"Còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn "chụp giật", không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản", ông Sinh nhấn mạnh.
Trước những "điểm nghẽn" tồn tại trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, để phục hồi thị trường bất động sản, các địa phương cũng cần tiến hành một số biện pháp như: Lập, phê duyệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 và kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, làm cơ sở để chấp thuận chủ trương và triển khai thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
"Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách về giá đất; khẩn trương thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đủ điều kiện theo quy định của pháp luật", ông Sinh nói.
Tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
"Công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông tin về việc sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; thông tin về đầu tư phát triển hạ tầng của địa phương nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.
Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của các doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản nhận định, có 5 vấn đề cần các nhà hoạch định chính sách lưu tâm trong quá trình soạn thảo Luật Đất đai tới đây.
Cụ thể: Phân định rõ quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đất đai với mục đích mang lại hiệu quả khai thác và sử dụng cao nhất; các loại hình đất đai cần được chuyển đổi mục đích sử dụng linh hoạt theo quy hoạch và nhu cầu phát triển; các quy định về định giá đất và văn bản có liên quan phản ánh đúng với thực tế thị trường; những bất cập trong quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gây ra nhiều khiếu kiện căng thẳng và thiệt hại cho các bên; Luật Đất đai mới cần sát với thực tiễn, nhìn trước xu thế phát triển trong tương lai.