Cú hích cho chủ đầu tư bất động sản từ phát triển nhà ở công nhân
(DNTO) - Các chủ đầu tư bất động sản đang có nhiều cơ hội từ việc phát triển dự án nhà ở xã hội, trong bối cảnh Chính phủ, Bộ Xây dựng đều tập trung đặt ra mục tiêu, giải pháp để phát triển nhà ở nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động.
Hiện cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, quy mô sử dụng đất khoảng 600ha. Tuy nhiên, mới chỉ có 116 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với diện tích đất hơn 250ha, chiếm 41,6% (theo Bộ Xây dựng).
Nhu cầu nhà ở cho công nhân vốn đã là vấn đề cấp thiết trong nhiều năm qua, càng trở nên nhức nhối hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành, lan vào các khu công nghiệp, khiến người lao động lũ lượt rời bỏ nhà máy để trở về quê hương do không đảm bảo được nhu cầu tối thiểu là ăn, ở.
Nhà ở xã hội cần kèm theo các tiện ích phục vụ đời sống...
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính cho hay, trong những năm tới, số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi hiệu quả, kéo theo đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tuy nhiên, điều mà Việt Nam còn thiếu là các khu đô thị vệ tinh hỗ trợ cho các khu công nghiệp. Các khu đô thị đó không chỉ có nhà ở, mà phải có cả trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, công viên… để phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp.
“Người lao động không thể nào sống mãi trong các khu công nghiệp. Tôi đã nhìn thấy Formosa và nhiều khu công nghiệp của Samsung, họ đã xây dựng khu nhà ở cho người lao động, nhưng không có chỗ giải trí, không có cơ sở giáo dục cho con cái của công nhân; không có trung tâm thương mại, chiếu phim dành cho người lao động.
Vì vậy, bên cạnh xây dựng các khu công nghiệp trong tương lai, các nhà đầu tư nên nhắm đến vấn đề xây dựng các khu đô thị vệ tinh hỗ trợ cho khu công nghiệp. Các tập đoàn lớn có dòng vốn lớn, dài hạn nên suy nghĩ đến việc này”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều tập đoàn bất động sản đã hướng con mắt của mình vào dự án bất động sản nhà ở xã hội. Thế nhưng, việc thu hồi vốn từ các dự án nhà ở xã hội thường rất lâu (khoảng 20 năm), vì vậy, để các chủ đầu tư có động lực, theo các chuyên gia, cần phải có chính sách thông thoáng, cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản.
...và chính sách an sinh xã hội
Ông Phan Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho biết, hiện nay, tư duy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế hay khu chế xuất mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật mà chưa quan tâm đến hạ tầng xã hội. Vì vậy, các chính sách, đặc biệt là Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật. Điều này sẽ giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi cho việc phân cấp quỹ đất và chỉ định chủ đầu tư xây dựng.
Tập đoàn APEC cũng có đề xuất với Chính phủ công nhận doanh nghiệp đầu tư làm nhà ở xã hội là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đủ điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó là đề xuất huy động khoảng 50.000 - 100.000 tỷ, đầu tư 6 - 10 triệu căn hộ xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và sẽ tăng vốn huy động phù hợp với mỗi thời kỳ phát triển.
Còn theo Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ Trần Tố Loan, việc phát triển bất động sản là nhà ở cho công nhân là vô cùng cấp thiết, nhưng cần lựa chọn những khu vực có quỹ đất đủ lớn để đảm bảo một hệ sinh thái khu đô thị đồng bộ, đầy đủ tiện ích, thu hút được người dân, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Hiểu được việc phát triển khu nhà ở cho công nhân là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo an sinh xã hội, động lực để duy trì sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng đang gấp rút xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng xã hội khu công nghiệp.
Cụ thể, trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 được Chính phủ báo cáo trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 9/11, có nhắc đến một nội dung quan trọng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đó là chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, xây dựng thiết chế văn hoá ở các khu công nghiệp. Cùng với đó là hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật đất đai (sửa đổi).
Hay mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, 15.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, 50.000 tỷ đồng còn lại để cho các đối tượng vay ưu đãi.
Đề xuất trên của Bộ Xây dựng cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các chuyên gia ngành cũng như công nhân. Hiện Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng khuyến khích các chủ đầu tư tham gia đầu tư hạ tầng xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp, đây được xem là những động thái mở đường tích cực từ phía cơ quan quản lý dành cho các chủ đầu tư bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.