Còn nhiều ‘nút thắt’ về nhà ở xã hội cho người lao động
(DNTO) - Theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia đầu tư vào các dự án trong KCN. Nhưng việc phát triển các KCN còn bất cập, trong đó, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất bức xúc.
Những nút thắt
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, tính đến năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha.
Đại diện Bộ TN&MT cho biết, để phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua còn những bất cập, trong đó, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc.
Nêu ý kiến của mình, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, cho biết, mặc dù chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, nhưng trên thực tế khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đồng thời việc đầu tư của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, theo ông Điệp, nút thắt đầu tiên là thiếu hụt nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Không chỉ vậy, việc thiếu hụt quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân cũng đang là vấn đề tồn tại.
Ông Điệp chỉ ra những bất cập: Mặc dù Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và Quyết định số 665 phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng tại nhiều địa phương quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân trong khu công nghiệp chưa có sẵn để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư.
Trên thực tế nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân vào kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm, hàng năm theo quy định của pháp luật, chưa triển khai lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng đầu tư dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Theo đó nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp mong muốn được đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để đảm bảo nguồn lao động ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động nhưng lại thiếu quỹ đất để đầu tư.
Cần coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế
Để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (KCN, KKT, KCX), theo ông Điệp: "Hiện nay, trong tư duy phát triển các KCN, KKT mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến. Theo đó, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân trong pháp luật đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật của KCN, KKT, KCN. Khi đó sẽ rút ngắn được thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, có sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở cũng như chỉ định Công ty phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT, KCN là chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân".
Trước mắt, để quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân.
Đồng thời, trong quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải bố trí quỹ đất làm nhà ở cho công nhân (bảo đảm đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chủ yếu phục vụ khu nhà ở của công nhân và có cơ chế chính sách ưu đãi cũng như chỉ định Công ty xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT, KCN là nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Theo đó sẽ tháo gỡ được hai nút thắt lớn nhất hiện nay về việc phát triển nhà ở cho công nhân, đó là nhà đầu tư và quỹ đất sạch xây dựng nhà ở cho công nhân.
Về phần mình, ông Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, thời gian tới, để sử dụng hiệu quả quỹ đất khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cần có những chính sách đồng bộ để triển khai, đáp ứng yêu cầu phát triển khu công nghiệp mới trong thời gian, mà điều này tới phụ thuộc rất lớn vào đầu tư công, đầu tư nước ngoài.
Các vấn đề cần được giải quyết như các quy định còn chồng chéo về quy định lựa chọn chủ đầu tư, khoảng cách an toàn với khu dân cư gần khu công nghiệp…
Mặt khác, cần tiến tới cân bằng trong phát triển khu công nghiệp để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định hoặc bám sát trục đường giao thông huyết mạch.
"Xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải gắn đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ, phân bố dân cư và nhà ở trong một phương án tổng thể, thống nhất, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện", ông Thọ cho biết.