Cần hoàn thiện chính sách, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các giải pháp để chăm lo đời sống người lao động, khắc phục đứt gãy thị trường lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Thủ tướng nêu các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân như hoàn thiện thể chế, quy hoạch, bố trí quỹ đất...
Chiều 16/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.
Cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập
Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đến nay, đã hỗ trợ gần 16 nghìn tỷ đồng cho hơn 19 triệu người dân, người lao động. Triển khai hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 13 triệu lao động, gần 390 nghìn người sử dụng lao động. Công đoàn các cấp đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm tại Hội nghị với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người lao động và công nhân trong thời điểm khó khăn này.
Thủ tướng cho biết, hai bên có nhiều hoạt động thiết thực trong phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19, lắng nghe ý kiến người lao động và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phù hợp, kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ, chăm lo đời sống, giảm bớt khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Nhiều mô hình sáng tạo phát huy hiệu quả, được chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao như: Siêu thị 0 đồng, xe buýt siêu thị 0 đồng, túi an sinh, túi thuốc cho F0, suất cơm nghĩa tình, vùng xanh doanh nghiệp, đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà; đường dây nóng “An sinh công đoàn”; đi chợ hộ đoàn viên; đội an toàn Covid-19...
Thủ tướng chia sẻ, hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. “Công tác phối hợp chặt chẽ, không câu nệ, giảm thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua khó khăn, thách thức, vai trò, tầm quan trọng của Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp càng được khẳng định, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị càng được nâng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân
Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định…
Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong đó, về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Liên quan tới đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý 4 bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân.
Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.