Sự kiện Evergrande đang 'thức tỉnh' thị trường trái phiếu bất động sản trong nước
(DNTO) - Sự ngấp nghé bên bờ sụp đổ của tập đoàn bất động sản nổi tiếng của Trung Quốc là Evergrande đang khiến cho câu chuyện trái phiếu bất động sản trong nước dường như nóng hơn, và sự can thiệp của cơ quan chức năng ngày càng rõ.
Nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản
Quý 3 năm nay, doanh nghiệp bất động sản (BĐS) vẫn là quán quân dẫn đầu về phát hành trái phiếu. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 85 nghìn tỷ đồng trong quý, mặc dù giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ nhưng chiếm 45% tổng lượng phát hành trong quý. Tính chung 9 tháng đầu năm, nhóm doanh nghiệp này phát hành hơn 200 ngàn tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Báo cáo về thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán SSI vừa công bố cho biết, sự kiện “Evergrande” cũng không làm thị trường trái phiếu bất động sản trong nước kém sôi động hơn khi chỉ tính riêng trong tháng 9, tổng giá trị phát hành của nhóm này đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng – chiếm 36% tổng lượng phát hành trong quý.
Cũng theo SSI, điều cần đặc biệt lưu ý là tỷ lệ các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác, chiếm khoảng 27% tổng TPDN BĐS phát hành, trong khi tỷ lệ đó là 70% cho các ngành còn lại.
"Chất lượng tín dụng các doanh nghiệp phát hành chưa niêm yết vốn có năng lực tài chính yếu hơn nhiều so với các doanh nghiệp niêm yết và kể cả yếu hơn Evergrande", SSI nhận định.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp chưa niêm yết, nhà đầu tư sẽ khó khăn trong tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong bối cảnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm trái phiếu bởi các tổ chức uy tín còn đang bỏ ngỏ.
Ngành BĐS Trung Quốc và Evergrande có những đặc thù riêng nên sự so sánh sẽ khó hơn, tuy nhiên theo SSI, tình hình dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đối mặt với rủi ro:
"Thanh khoản của thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp", SSI cho biết.
Tình trạng được cho là ngày càng tệ hơn khi nhiều trường hợp các doanh nghiệp phải phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp để có thể thanh toán nợ gốc và lãi của các khoản trái phiếu trước đó.
SSI dự báo: "Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 – 2024, tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này, khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối".
Động thái tích cực từ các cơ quan chức năng
Để hạn chế rủi ro của thị trường từ bài học của Evergrande, Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp mạnh tay với thị trường trái phiếu. Bộ này đã thanh tra 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp trước thông tin nhiều nhà đầu tư “lách” luật nhằm mua trái phiếu riêng lẻ thông qua công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa rõ tình hình doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng rà soát các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, nhằm đảm bảo an toàn của thị trường.
Nhận định về các giải pháp của thị trường thời gian tới, FiinGroup cho biết, "trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19 đến dòng tiền tạm thời của doanh nghiệp và môi trường lãi suất thấp hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp đang là cách thức hợp lý để các ngân hàng và nhà đầu tư tổ chức có thể giúp tái cấu trúc kỳ hạn của tín dụng bất động sản và tài trợ vốn cho các chủ đầu tư BĐS".
Và cũng theo tổ chức này, 'hiện là lúc ngân hàng và các nhà đầu tư tổ chức cần rà soát và đánh giá kỹ lưỡng về chu kỳ của ngành BĐS và đưa ra các biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc tùy theo đặc thù của từng phân khúc cho vay cũng như đặc thù của từng chủ đầu tư, từng dự án".
FiinGroup cũng lưu ý: "Đối với các khoản tín dụng mới, các định chế tài chính cần thẩn trọng trong việc lựa chọn các dự án và chủ đầu tư bất động sản để phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình".