Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đừng chỉ nhìn vào lãi suất
(DNTO) - Với mức lãi suất hấp dẫn thậm chí lên tới 13%/năm, trái phiếu doanh nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư nhận định là kênh đầu tư hấp dẫn ở hiện tại. Tuy nhiên, lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro lớn khi việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành thời gian dài vừa qua vẫn chưa được chú trọng.
Chìa khóa ngăn chặn rủi ro
Trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế nhất là trong bối cảnh hiện nay, dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền do những đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương trên cả nước.
Số liệu từ SSI cho thấy, nửa đầu năm nay cả nước ghi nhận 318 đợt phát hành trái phiếu của 169 doanh nghiệp. Tính bình quân, mỗi đợt phát hành có quy mô 657 tỷ đồng – cao hơn nhiều so với mức 207 tỷ đồng/đợt của năm 2020.
Còn theo FiinPro, riêng tháng 7 đã có 16.227 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước, trong đó nhóm ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng phát hành lớn nhất đạt 12,02 nghìn tỷ đồng, theo sau là nhóm bất động sản với 3,33 tỷ đồng.
Thị trường phát triển nhanh, rủi ro đi kèm càng lớn khi mà thông tin các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gần như rất ít bởi xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp này đã bị bỏ ngỏ một thời gian dài.
Phát biểu trong buổi tọa đàm trực tuyến "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp", diễn ra hôm nay, 16/8, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết, hiện tại việc xếp hạng tín nhiệm với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang không bắt buộc, có cũng được mà không có cũng được. Tuy nhiên đây lại chính là chìa khóa ngăn chặn rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư riêng lẻ. Do vậy việc bắt buộc quy định này là vô cùng cần thiết.
Ông Hiếu dẫn chứng, ở nước ngoài mà cụ thể tại Mỹ, quy định này vô cùng quan trọng. "Không có trường hợp cá nhân tự mua, mà phải mua qua các tổ chức, hay công ty chứng khoán hoặc các quỹ. Các cơ quan này sẽ xem xét điều kiện tài chính của doanh nghiệp giúp nhà đầu tư", ông cho biết.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, việc minh bạch thông tin giữa người bán và người mua là yếu tố quan trọng để thị trường phát triển. Đa phần người bán thường làm chủ thông tin, nhưng nếu doanh nghiệp không minh bạch thông tin sẽ dẫn đến sai lệch trong lập giá. Còn người mua nếu không nắm được chất lượng doanh nghiệp cũng sẽ không tham gia, vì vậy thị trường sẽ khó phát triển được.
Tuy nhiên cũng theo ông Độ, về ngắn hạn, nếu siết chặt việc công khai thông tin sẽ khiến ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được, do đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn. "Tuy nhiền cần có cái nhìn dài hạn, bởi người tham gia có khẩu vị rủi ro không cao, cần sự an toàn", có vậy mới kéo họ ở lại lâu dài với thị trường, ông Độ nhận định.
Hiện tại Việt Nam mới có hai công ty xếp hạng tín nhiệm mới được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, là FiinRatings và Sài Gòn Thịnh Phát. Theo quy hoạch trong 10 năm tới, cả thị trường có tối đa 5 công ty xếp hạng tín nhiệm.
Việc ép tất cả các doanh nghiệp phát hành phải xếp hạng trong giai đoạn này sẽ gây quá tải cho các doanh nghiệp trên. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings, "hiện chúng tôi không đủ năng lực. Nên xét độ chín muồi của thị trường khoảng 2 năm nữa là hợp lý".
Đứng ở một góc nhìn khác ông Thuân cho biết, xếp hạng doanh nghiệp, nếu để xác định điểm tín dụng của nhà phát hành thì không quá quan trọng. Tuy nhiên nó có tác dụng giúp nhà đầu tư và trái chủ tạo áp lực trách nhiệm cho lãnh đạo doanh nghiệp nhiều hơn.
"Nếu là cổ đông một năm còn được họp một lần, được tiếp cận thông tin kênh đại chúng, còn trái chủ thì tiền bỏ ra 5 năm, 10 năm nên thiếu minh bạch, không có đầy đủ thông tin mà cứ nhìn lãi suất cao để đầu tư, thì một ngày tin nhắn điện thoại không "tin ting" nữa sẽ không biết kêu ai...", ông Thuân đặt vấn đề.
Chính sách vẫn chưa theo kịp thị trường
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, hiện có 3 vấn đề đang đặt ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Đó là vấn đề công bằng thông tin, tính hiệu lực thực thi các vấn đề pháp lý liên quan, và cuối cùng là hiệu quả thị trường.
Ông Độ chỉ ra các nhược điểm của thị trường như thông tin vẫn còn thiếu sự công khai minh bạch giữa người bán và người mua, các chế tài xử phạt hiện vẫn chưa nghiêm minh, chưa theo đúng mức gây thiệt hại. Ngoài trong quá trình quản lý, cơ quan chức năng chưa theo kịp tốc độ phát triển thị trường.
"Nếu chính phủ không điều tiết được sẽ dẫn đến dễ bị buông lỏng và quyền lợi người tham gia bị ảnh hưởng, không đảm bảo, có thể gây tranh cãi. Nếu không quản lý được thì dễ bị cấm. Nhưng nếu cấm thì các sản phẩm cung cấp không phát huy được tác dụng. Đây là thế lưỡng nan của Chính phủ. Chính phủ nên đi kịp thị trường. Nếu gặp vấn đề mới giải quyết sẽ bị chậm không theo kịp", ông Độ nói.
Tuy nhiên, cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất cao, ông Độ nhận định.
Báo cáo từ Công ty chứng khoán SSI cho biết, hiện tại thị trường này đang đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh kéo dài đang khiến doanh nghiệp bất động sản gặp khó; thanh khoản xu hướng giảm, hoạt động đầu tư công đang chậm lại... Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp.