Tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình
(DNTO) - Một số động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam như xuất khẩu hay thu hút FDI… được dự báo sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm nay. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cao hơn, việc tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới sẽ là yếu tố cơ bản giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc, bứt phá.
Còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang gấp rút tăng tốc trong "chặng đua" cuối nhằm hoàn thành và vượt kế hoạch các chỉ tiêu đã đề ra. Không chỉ là đạt mức tăng trưởng 7-7,5% như Quốc hội quyết nghị, mà Chính phủ đặt mục tiêu cao hơn, đó là giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Bệ phóng cho việc thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2025 chính là nền tảng kết quả của năm 2024. Cho tới thời điểm này, dù chưa có các con số chính thức, song nhiều dự báo cho thấy, tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt khoảng 7%. Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đã góp phần củng cố cho dự báo này. Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ngày 6/12, điểm sáng hàng đầu phải kể tới là kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay đạt trên 715,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, qua đó giúp cho cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu trên 24,3 tỷ USD.
Dự báo mới đây của Ngân hàng UOB, xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ vượt mốc 400 tỷ USD trong năm nay. Tức là, chỉ cần trong tháng 12/2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 30 tỷ USD, khả năng này là rất lớn, bởi kim ngạch xuất khẩu theo tháng của Việt Nam thời gian gần đây luôn đạt mức cao.
Một trong những con số đáng chú ý tiếp theo là giải ngân vốn FDI 11 tháng ước đạt gần 21,7 tỷ USD, tăng tới 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua. Trong khi thu hút mới đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh suy giảm dòng vốn đầu tư đang diễn ra ở khu vực cũng như trên toàn cầu.
Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI. Dự kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Đây sẽ là bước đột phá mới trong việc giữ ổn định nguồn FDI hiện có và tạo hành lang rộng mở cho việc thu hút các nguồn FDI trong tương lai.
Trên nền sáng bức tranh kinh tế, hoạt động kinh doanh cũng có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 11 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, chỉ số này ước tăng 8,4%, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp tích cực vào mức tăng chung.
Cùng với đó, đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên với nguồn vốn giải ngân ước đạt 572 nghìn tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nhờ các hoạt động kinh tế diễn ra sôi nổi hơn, thu ngân sách nhà nước 11 tháng đã bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt trên 10% dự toán…
Đây chính là những chỉ số kinh tế quan trọng chứng minh sự phục hồi của nền kinh tế, mà cả Chính phủ và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội, đều đánh giá cao tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Chính vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phải đổi mới tư duy, phải “cởi trói”, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình.
“Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm”, Tổng Bí thư Tô Lâm nói và nhấn mạnh rằng, chỉ có “phép giải rút gọn” mới ra đáp số kịp thời gian.
Cụ thể, đó chính là gấp rút tập trung giải quyết những điểm nghẽn và tạo lập những yếu tố nền tảng để nền kinh tế có thể “cất cánh”, nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng như hệ thống giao thông, hạ tầng năng lượng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cải cách thể chế, thủ tục hành chính...
“Trước mắt, cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2024 và năm 2025, trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số ngay từ thời gian này. Đây là vấn đề chúng ta hoàn toàn có cơ sở để làm được”, Tổng Bí thư chỉ đạo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đưa ra hàng loạt giải pháp, bao gồm việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, coi hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá trong năm 2025; làm mới các động lực truyền thống và thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới…
Để tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh, phải "trải thảm" thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao, như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Trong đó, công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực Việt Nam có nhiều cơ hội.
"Cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế - xã hội chưa từng có giúp kinh tế Việt Nam có thể tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.