Tạo đà cho xuất khẩu thủy sản năm 2025 tăng trưởng từ 10-15%

(DNTO) - Trên nền tảng thắng lợi của năm 2024, đề bài đặt ra cho xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ về đích với mức tăng trưởng 10 - 15% tương ứng với mức khoảng trên 10 tỷ USD. Kỳ vọng này là rất khả quan, với nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.

Xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng 10 - 15% vào năm 2025 với mức trên 10 tỷ USD. Ảnh: TL.
Tính đến gần cuối tháng 12/2024, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã về đích 2 tỷ USD như dự báo hồi đầu năm nay, tăng trên 10% so với 2023 nhờ sự tăng trưởng từ thị trường Mỹ và các thị trường khác. Qua đó cho thấy sức hút, sức cạnh tranh và tiềm năng của các thị trường vẫn mạnh mẽ, từ đó giúp cho các doanh nghiệp trong ngành hàng cá tra tiếp tục có những bước tiến mới trong năm 2025.
Còn với ngành hàng tôm, tính lũy kế trong kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD mà ngành thủy sản đã về đích vào tháng cuối cùng của năm 2024 (đạt tăng trưởng khoảng 13%) thì riêng xuất khẩu tôm đã chiếm đến 40%.
Xuất khẩu tôm đang cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Không chỉ vậy, giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đơn cử, Báo cáo cập nhật trong tháng 12/2024 về CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV, biên lợi nhuận gộp của VHC sẽ cải thiện từ mức trung bình năm 2024 là 15% lên 17,5% trong 2025. Điều này nhờ chi phí nuôi cá giảm, giá bán cá duy trì ở mức tương đương cuối năm 2024.
Theo KBSV, dự báo xuất khẩu cá tra của VHC vào thị trường Mỹ sẽ tiếp tục khả quan. Báo cáo hiệp hội nhà hàng tại Mỹ (NRA) cho thấy tâm lý lạc quan được cải thiện đáng kể sau cuộc bầu cử tổng thống. Trong khảo sát mới đây nhất, 46% chủ nhà hàng (tăng mạnh so với mức 28% ở tháng trước) cho biết kỳ vọng doanh thu tăng trong 6 tháng tới nhờ sự cải thiện đáng kể từ doanh số trên mỗi cửa hàng báo cáo.
Ở kịch bản cơ sở, VHC dự phóng doanh thu nhập khẩu sang Mỹ của VHC trong năm 2025 sẽ tăng 8% so với năm 2024. KBSV cho rằng cá tra có lợi thế cạnh tranh tại Mỹ nhờ chi phí rẻ, tỉ lệ sống sót cao hơn đáng kể so với các loại cá thịt trắng và thủy sản khác.
Ngoài ra, theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, nếu trong thời gian tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu đối với thủy sản Trung Quốc từ 60 - 100%, cao hơn so với các nước khác (từ 10 - 20%) thì ngành cá tra Việt sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Phát biểu tại lễ tổng kết mốc sự kiện xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD cho năm 2024. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho biết, ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp và địa phương đã đẩy mạnh chiến lược mở cửa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các khu vực trọng điểm như Mỹ và châu Âu. Nổi bật trong số đó là xuất khẩu tôm, với giá trị đạt 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Tiếp theo là cá ngừ, khi Việt Nam tận dụng hiệu quả hạn ngạch 11.500 tấn/năm từ thị trường châu Âu, mang lại những kết quả tích cực.
Trên nền tảng thắng lợi của năm 2024, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 là rất khả quan, với nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.
"Từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng có ba gói tín dụng cho thủy sản và lâm sản, hiện đang thực hiện gói 60.000 tỷ đồng cho các đơn vị trong chuỗi thủy sản vay ưu đãi hơn thị trường từ 1-1,5%. Đây là chính sách, cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới. Từ các cơ hội mà ngành thủy sản đang có, năm tới ngành cố gắng duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 10-15%", Phó tổng thư ký Vasep nhìn nhận.

Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường lớn như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia với mặt hàng tôm và cá tra. Ảnh: TL.
Chủ động trước những thách thức
Bàn về câu chuyện xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, các chuyên gia lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản về việc đáp ứng các thay đổi của từng thị trường, trong đó đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, tiếp đến là trách nhiệm với môi trường, xã hội.
Theo đó, để xuất khẩu các lô hàng thuỷ sản tới thị trường lớn, ngoài những quy định của thị trường bắt buộc phải tuân thủ thì bây giờ cần có thêm các chứng nhận bền vững, mà các yêu cầu này là của hầu hết người mua hàng, giới bán lẻ. Ví dụ người mua hàng châu Âu yêu cầu phải có chứng nhận ASC…
“Về phía nhà xuất khẩu, chúng ta phải có sự chuẩn bị cho các thay đổi đó. Hiện nay, châu Âu, Mỹ, Nhật là các thị trường có doanh số đứng top 3 trong xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam và các thị trường này đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thuỷ sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm”, Phó tổng thư ký Vasep thông tin.
Ngoài ra, các chuỗi cung ứng phải có trách nhiệm tự chuẩn bị, mà liên quan nhiều nhất là yêu cầu phát triển bền vững ESG, vì vậy các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này và phải thay đổi để thích ứng. Đối với lĩnh vực thuỷ sản, số lượng hồ sơ đi kèm với lô hàng ngày càng nhiều hơn, từ các giấy tờ chứng minh an toàn thực phẩm, cho tới các chứng chỉ về ESG, môi trường, xã hội…
“Tôi cho rằng, trong tương lai những ngành kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là gắn với sức khoẻ con người sẽ luôn phải đương đầu với những yêu cầu khắt khe đó. Do đó, nếu không có sự chuẩn bị thì tôi e rằng doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng tốt”, ông Nam nhấn mạnh.
Còn với ngành hàng tôm và cá tra, bà Thu Hằng, chuyên viên phân tích của Vasep, cho rằng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường lớn như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia. Hai mặt hàng này đã đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có duy trì được vị thế trên thị trường hay không?
Câu trả lời phụ thuộc lớn vào vấn đề nguyên liệu. Làm thế nào để người nuôi tôm và cá tra có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì sản xuất? Làm sao để họ có được con giống chất lượng cao, góp phần giảm giá thành? Những vấn đề này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tín dụng, quy hoạch nuôi trồng khoa học, và đặc biệt là sự cải tiến trong sản xuất giống.
“Chỉ khi nông dân và ngư dân được tiếp thêm động lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu cho ngành thủy sản xuất khẩu mới được đảm bảo, góp phần giữ vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới”, vị chuyên gia khẳng định.
Tương tự, ngành cá ngừ dù đã đạt nhiều tiến bộ, từ giá trị xuất khẩu loanh quanh 600 - 700 triệu USD vài năm trước lên gần 1 tỷ USD năm nay, nhưng vẫn đối mặt với những “điểm nghẽn”. Một trong số đó là Nghị định 37, trong đó quy định cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài từ 0,5m trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ và ngăn chặn việc khai thác cá kích thước nhỏ, nhưng trong thực tế, cá có chiều dài trên 0,5m chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong mỗi mẻ lưới.
Kết quả là doanh nghiệp không mua, ngư dân không bán được cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nghề khai thác cá ngừ phát triển chỉ quy định mùa vụ khai thác chứ không áp dụng giới hạn về kích thước. Vì vậy, cần sớm sửa đổi quy định này để tạo động lực cho ngư dân tiếp tục bám biển, tăng sản lượng, và đảm bảo nguồn cung ổn định cho xuất khẩu.