Xuất khẩu nông lâm thủy sản 'về đích' sớm, thặng dư 11 tháng đạt gần 16,5 tỷ
(DNTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa cho hay, 11 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 16,5 tỷ USD, đạt KPI sớm 1 tháng khi mang về kim ngạch 56,74 tỷ USD, tăng tới 52,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19%. Như vậy, ngành nông nghiệp đã “về đích” sớm mục tiêu giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55-56 triệu USD năm 2024.
Đặc biệt, cán cân thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, lâm sản, thủy sản và nông sản là 3 nhóm hàng có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư.
Xét theo mặt hàng, Việt Nam có 7 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; rau quả; cà phê; gạo; tôm; cá tra; và hạt tiêu. Trong đó, 3 mặt hàng là lực kéo tăng trưởng chính cho ngành, gồm: Hạt tiêu (43,5%); rau quả (33,9%) và cà phê (30,5%).
Về thị trường xuất khẩu, châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,7% và 11,3%. Thị phần của 2 khu vực châu Phi và châu Đại Dương nhỏ, chiếm lần lượt 1,8% và 1,4%. So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 11 sang khu vực châu Á tăng 16,1%; châu Mỹ tăng 23,6%; châu Âu tăng 30,4%; châu Phi tăng 4,4%; và châu Đại Dương tăng 13,9%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2024 có thể lập kỷ lực mới với 60 - 61 tỷ USD.
Mặc dù vậy, ngành nông sản Việt Nam vẫn đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia nhiệt đới khác như Thái Lan, Philippines và Indonesia. Các nước này cũng sở hữu lợi thế tương tự về khí hậu và chủng loại sản phẩm. Ngoài ra, việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và vượt qua các rào cản thương mại kỹ thuật cũng là một thách thức lớn.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam mới đây đã đề xuất xây dựng các vùng sản xuất chuyên biệt và kêu gọi chính phủ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng như vận chuyển, kho bãi và chế biến. Bên cạnh đó, đầu tư vào chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Việt Nam. Thực tế, việc duy trì sự tăng trưởng bền vững đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức ngành nghề. Chỉ khi vượt qua các rào cản hiện tại và tận dụng tốt các cơ hội mới, ngành nông nghiệp Việt Nam mới có thể vững bước trên con đường khẳng định vị thế toàn cầu.