Doanh nghiệp dịch vụ, công nghiệp và nông sản 'bùng nổ' vốn đăng ký trong tháng 10
(DNTO) - Nếu như tháng 9 chứng kiến số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm cả về lượng và chất, thì sang tháng 10, số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đã hồi phục và tăng mạnh với gần 14.200 doanh nghiệp, đồng thời đánh dấu mức tăng trưởng tích cực về số vốn đăng ký khi tăng 65,4%.
Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 10 tháng đầu năm 2024 là 202.325 doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có thêm 20.236 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đây là thông tin vừa được cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh vừa cập nhật.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm nay là 136.085 doanh nghiệp, tăng 1,87% cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 815.574 lao động, giảm 8,68% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng tháng 10/2024, có 14.187 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 153.537 tỷ đồng, giảm 9,8% về số doanh nghiệp và tăng 9,52% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, doanh nghiệp thành lập mới chiếm tỷ trọng lớn thuộc về nhóm ngành: Dịch vụ; Công nghiệp và Xây dựng; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản…
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt 2,6 triệu tỷ đồng, giảm 4,67% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đăng ký bình quân đạt 9,6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 10 tháng đầu năm trong 5 năm 2020-2024 (11,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực từ doanh nghiệp mới "ra đời" trong tháng 10, vẫn có 173.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,2%). Tính riêng tháng 10 có 12.865 doanh nghiệp giải thể.
Mới đây, báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đã thực hiện khảo sát cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, ngoài vấn đề về thị trường, thì thể chế, pháp luật vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Thủ tục rườm rà khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội kinh doanh.
Nêu quan điểm, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 4/11, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh bày tỏ lo ngại trước tốc độ tăng vốn của đầu tư tư nhân giảm, chỉ khoảng 7% trong 9 tháng đầu năm nay. Mức này thấp hơn một nửa so với giai đoạn trước. Điều này theo ông là nghịch lý khi đầu tư công chưa dẫn dắt được đầu tư tư nhân, dù nguồn lực công vừa qua được tung ra cho các dự án hạ tầng, nhất là giao thông rất lớn, trên 800.000 tỷ đồng.
"Doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân có thể không cần tiền, họ rất cần cơ chế. Theo tôi, vướng mắc ở đây chính là thủ tục", ông nói và đề nghị làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào nền kinh tế.
Ngoài khu vực tư nhân, ông Trịnh Xuân An cũng đề nghị cần cởi trói thủ tục cho doanh nghiệp nhà nước. Ông dẫn chứng việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Vietcombank để nhà băng này đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định. Song hiện hệ thống ngân hàng quốc doanh hụt hơi trong cuộc đua tăng vốn so với các ngân hàng thương mại.
Theo ông An, các ngân hàng quốc doanh vốn được coi là những "anh cả đỏ" trong hệ thống gặp khó khăn trong tăng vốn, tụt lại so với các nhà băng thương mại cổ phần. Tương tự, nhiều doanh nghiệp nhà nước vốn dày song họ vướng rất nhiều thủ tục, cơ chế.
"Chúng ta cần cởi trói để doanh nghiệp nhà nước có đường ray tốt, đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Bởi muốn vươn mình thì phải có những doanh nghiệp khoẻ, tốt", ông An nói thêm.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ tăng giám sát, kiểm tra việc xử lý thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền và đổi mới cải cách từ trung ương tới địa phương. Việc này nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.