'Cần cơ chế rõ ràng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn'
(DNTO) - Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các bộ tiêu chuẩn quy chuẩn và cơ chế chịu trách nhiệm nếu xảy ra bất cập, phát sinh thủ tục gây khó khăn cho người dân.
Ngày 20/8, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết các doanh nghiệp phản ánh quy chuẩn kỹ thuật vẫn còn có nội dung quy định thiếu thống nhất, cách hiểu chưa rõ ràng dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện có vướng mắc.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng phản ánh quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn có khi quá nhanh, không có lộ trình chuyển tiếp đủ dài để thực hiện. Điều này làm cho chi phí tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến áp lực cạnh tranh hàng hoá của doanh nghiệp.
"Nhiều doanh nghiệp phản ánh quá trình ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng có những cái "giật cục, nhanh quá, sốc quá, không có lộ trình để thực hiện", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay và chỉ ra đây là điểm cần phải sửa đổi để có quy định, tránh các vướng mắc bất cập.
Đơn cử, chưa đầy 3 năm, từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2022, Bộ Xây dựng đã liên tiếp ban hành 3 quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Việc này khiến nhiều doanh nghiệp than trời "trở tay" không kịp, thực hiện gặp nhiều vướng mắc.
Chưa kể, đến nay việc áp dụng quy chuẩn này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện giao Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát chính sách pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh cải cách, giảm thủ tục hành chính, phân loại nhóm các công trình vướng mắc liên quan đến PCCC để có giải pháp tháo gỡ "nút thắt" của quy chuẩn trong thực tế áp dụng...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cân nhắc tận dụng các tiêu chuẩn, kỹ thuật của các nước khác trong FTA để tránh việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn nhưng không phù hợp với tiêu chuẩn của các nước khác họ đã sẵn có. Việc xây dựng này vừa tốn kém nhưng sử dụng lại không hiệu quả.
"Ví dụ hàng hoá vào thị trường Mỹ thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường Mỹ, hay vào EU thì phải theo tiêu chuẩn EU. Vấn đề này cần phải khắc phục, tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn mà không phù hợp, thậm chí còn gây ra lãng phí, tốn kém cho doanh nghiệp”, ông Thanh nêu vấn đề.
Đồng thời nhấn mạnh: Cần có cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, vì trong quá trình sản xuất kinh doanh, đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, họ va chạm vào vướng mắc ở chỗ này, chỗ kia, nên từ kinh nghiệm thực tiễn họ có thể tham vấn đóng góp cho chúng ta để đưa ra bộ tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp với thị trường trong nước và thị trường của nước ngoài. Tuy nhiên cần có tiêu chí, có điều kiện quy định trách nhiệm cũng như hình thức của các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Cho ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Quy định rõ trách nhiệm thế nào nếu như ban hành những bất cập, hoặc có quy trình thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn, gây lãng phí.
“Hay có những quy chuẩn, tiêu chuẩn đặt ra để rồi người dân, doanh nghiệp phải “thế này, thế kia”. Do đó cần nghiên cứu thêm để quy định cho đầy đủ”, ông Cường nhấn mạnh.