Xuất khẩu thủy sản trước các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Donal Trump
(DNTO) - Xuất khẩu thuỷ sản Việt sẽ chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của chính quyền Trump. Việc Mỹ tăng thuế quan có thể tạo “khoảng trống”, cho tôm và cá tra Việt thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc và chiếm lĩnh thị phần, song cũng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt so với hàng nội địa Mỹ.
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước tháng 10/2024 ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về mặt hàng, tôm và cá tra là hai sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 10/2024, xuất khẩu tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi xuất khẩu cá tra thu về gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, xuất khẩu tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26 và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng, tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, mặc dù luôn phải đối mặt với các chính sách bảo vệ chặt chẽ như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhưng nhu cầu của thị trường Mỹ lớn cộng với chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện đã giúp duy trì, mở rộng vị thế tại thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 - 2,1 tỷ USD mỗi năm.
"Tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP cho hay.
Cũng theo VASEP dự báo, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam. Tôm và cá tra là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho tôm và cá tra Việt Nam thay thế sản phẩm thủy sản Trung Quốc.
Bên cạnh cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Thực tế thời gian qua, không ít mặt hàng nông sản của Việt Nam đã bị vướng vào các vụ kiện như mật ong, thủy sản, tôm, cá... Tranh chấp thương mại diễn ra sẽ gây khó khăn cho hàng nông sản của Việt Nam khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Đơn cử, Mỹ sắp ban hành quyết định thuế CVD chính thức đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước khác. Theo trình tự ngày 5/12 Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Mỹ, mức thuế 2,84% trở thành chính thức dựng nên một rào cản không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam và ngược lại. Trước đây, ngành tôm Việt Nam cũng từng bị kiện tương tự nhưng ITC đã phán quyết hủy bỏ vụ kiện.
Ở kịch bản tích cực, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ có thêm cơ hội mở rộng thị phần. Đồng thời Hải quan Mỹ sẽ trả lại phần tiền tạm nộp cho các lô hàng bán vào đây từ quý II/2024 và các khoản tiền trích dự phòng trên sổ sách sẽ thành thành khoản thu lãi.
"Nếu kịch bản "thuận" xảy ra, Sao Ta sẽ thu về không ít hơn 40 tỷ đồng cho khoản dự phòng thuế này, góp phần tích cực cho hoàn thành kế hoạch 2024", ông Lực cho biết.
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường. Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Mỹ.
Nhìn về dài hạn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cần thay đổi, không phải chỉ vì lý do ông Trump lên làm Tổng thống, mà từ lâu giải pháp căn cơ cho thuỷ sản Việt vẫn là phải tăng cường hợp tác, kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp của Mỹ để chế biến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sâu hơn, thay vì chỉ xuất thô như hiện nay.