Quy định mới chống phá rừng của EU - Bài 1: Các nước sản xuất cao su Đông Nam Á đau đầu

(DNTO) - Các luật định mới yêu cầu chống phá rừng và chứng nhận nguồn gốc sắp được Liên minh Châu Âu đưa ra, ép buộc các quốc gia sản xuất cao su ở Đông Nam Á phải bỏ nhiều chi phí theo đuổi.

Một cô gái Campuchia đang lấy nhựa cao su tại một trang trại ở tỉnh Tbong Khmum. Ảnh: Nikkei Asia
Nhiều quy định mới đang được Liên minh Châu Âu chuẩn bị tung ra, nhắm đến việc ngăn chặn hiểm họa gián đoạn sản xuất từ tệ nạn phá rừng, vốn hoành hành khắp các quốc gia Đông Nam Á. Sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các nhà sản xuất cao su trong vùng, từ 30.000 nông trại nhỏ ở Campuchia cho đến các nhà xuất khẩu lớn ở Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Bộ quy định mang tên “Quy định chống phá rừng của EU” (EU's deforestation regulation - EUDR) sẽ ngăn cấm nhập khẩu 7 loại hàng hóa khác nhau: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và các mặt hàng gỗ, nếu chúng đến từ các vùng bị phá rừng sau ngày 31/12/2020.
Các công ty kinh doanh những mặt hàng xuất khẩu này sẽ phải cung cấp “thông tin xác thực rõ ràng và có thể kiểm chứng” cho thấy vị trí cụ thể của các mắt xích trong chuỗi cung ứng, kể cả địa điểm chính xác nơi sản phẩm được nuôi trồng, để có thể được xác nhận theo điều luật mới.
Việc tuân thủ sẽ trở thành bắt buộc vào tháng 12 năm 2024 đối với các công ty lớn hơn và vào tháng 6 năm 2025 đối với các công ty nhỏ hơn.
Các nhà phê bình lo ngại những yêu cầu trên sẽ gây tổn hại quá mức cho các nông dân tầm cỡ nhỏ trong khi không thể giải quyết thỏa đáng tệ nạn phá rừng trong ngành sản xuất cao su.
Jean-Christophe Diepart, một nhà nông học có trụ sở tại Campuchia, cho biết sẽ có “những tác động sâu sắc” đối với nông dân nước này.
Diepart cho biết: “Rủi ro là về cơ bản, các hộ sản xuất nhỏ sẽ bị loại vì có quá nhiều yêu cầu và quá nhiều nỗ lực để giám sát, truy tìm nguồn gốc cao su mà họ sẽ sản xuất”. Điều đó sẽ chỉ khiến “các tập đoàn lớn có đủ nguồn lực để tuân thủ”.
“Vấn đề là tất cả các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị từ chối bởi có quá nhiều yêu cầu, đòi hỏi nỗ lực rất lớn để truy nguồn gốc cao su. Và chỉ để lại các tập đoàn lớn với đủ nguồn lực để theo đuổi” - ông Diepart nhận xét.

Thu hoạch mủ cao su ở Campuchia. Ảnh: Nikkei Asia
Mối lo tương tự cũng đang lan dần tại Malaysia. Quốc gia này đã liên minh với Indonesia để đàm phán với EU về những luật chống phá rừng, bởi họ đều sẽ bị ảnh hưởng trong ngành sản xuất dầu cọ. Nhưng ngành sản xuất cao su trị giá 2 tỷ đô la của Malaysia cũng sẽ bị kéo theo.
Malaysia xuất khẩu 17% sản lượng sản phẩm cao su đến EU, thị trường lớn thứ hai sau Mỹ. Khoảng 93% đất trồng cao su tại nước này thuộc về các hộ nông dân cỡ nhỏ.
Vào hồi tháng 3, các nông dân trồng cao su và dầu cọ tại Malaysia đã hợp lại cùng biểu tình các chính sách của EUDR. Họ cho rằng những điều luật này sẽ đẩy các nông hộ nhỏ ra khỏi thị trường EU và làm tình trạng đói nghèo tệ hại hơn.
Trong khi đó, Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị để trở thành kẻ thắng cuộc trong cuộc đua chạy theo điều luật EUDR. Các nhà làm luật của nước này đã lập các nền tảng quốc gia giúp đỡ hơn 5 triệu nông dân Thái Lan đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nakorn Tangavirapat, một quan chức của Cơ quan Cao su Thái Lan, cho biết hệ thống này sẽ đối chiếu thông tin về tất cả các tác nhân trong chuỗi cung ứng và khoảng 95% doanh nghiệp trong ngành đã đăng ký.