‘Ông lớn’ EU đang ‘khỏe’ lại, doanh nghiệp Việt có 6 tháng để chạy đua chiếm lĩnh thị trường
(DNTO) - Được mệnh danh là xã hội tiêu dùng, thị trường EU đang dần lấy lại sự sôi động trong xu hướng phục hồi kinh tế. Nhưng theo chuyên gia, thời gian phục hồi này chỉ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm nên doanh nghiệp Việt phải nhanh chân để chiếm lĩnh thị trường trước đối thủ.
Năm 2020, châu Âu là một trong những tâm dịch lớn nhất của thế giới khiến kinh tế khu vực này sụt giảm tới 6,1%, mức giảm kỷ lục kể từ năm 1920. Tuy nhiên, nhờ gói cứu trợ kịp thời và các biện pháp kinh tế mạnh, kể cả tài khóa và tiền tệ, EU vẫn nằm trong khối phục hồi nhanh nhất.
Theo Eurostat, GDP quý II/2021 của EU tăng trưởng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số thương mại, bán lẻ hàng hóa tháng 8/2021 cũng tăng 1,1% so với cùng kỳ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo các nền kinh tế phát triển như EU sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn các nước đang phát triển, với mức tăng trưởng toàn cầu của khối này sẽ là 4,6% trong năm 2021.
“Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường EU đang dần hồi phục lại và những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu có thể tận dụng cơ hội này đầu tiên. Thương mại, xuất nhập khẩu của EU bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng nhanh chóng phục hồi sôi động trở lại sau khi nới lỏng giãn cách và vẫn tiếp tục có xu hướng tăng”, bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) chia sẻ trong Hội thảo Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang EU trong bối cảnh mới, sáng 5/11.
Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu EU với thị trường ngoại khối đạt 1.400 tỷ Euro, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020, một mức tăng ấn tượng. Nhập khẩu từ thị trường ngoại khối tăng 16,73%, cho thấy cơ hội của Việt Nam là rất lớn. Nhập khẩu của EU từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đạt 24,97 tỷ Euro, tăng 9,66% và Việt Nam nằm trong Top 11 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU.
“Từ trước đến nay, Việt Nam thường tập trung vào các thị trường Tây Âu như Hà Lan, Đức, Pháp, tuy nhiên, còn thị trường các nước Bắc Âu, Đông Âu, Nam Âu tuy là các thị trường ngách, kim ngạch nhỏ nhưng tốc độ tăng trưởng rất lớn. Ví dụ, xuất khẩu từ các nước vào Bắc Âu thường xuyên tăng trưởng 50-60%. Vì vậy, đây là những thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp Việt Nam có thể hướng tới sau này khi thị trường Tây Âu tương đối bão hòa”, bà Hiền cho biết.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có cơ hội từ xu hướng tiêu dùng trực tuyến và sự nở rộ của thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ của châu Âu, với 220 triệu người tham gia mua sắm xuyên biên giới trong năm 2020.
Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới từ Việt Nam sang EU rất khiêm tốn, chỉ chiếm 20%, còn sang Mỹ tới 70%, mặc dù Mỹ là thị trường rất lớn nhưng không có ưu đãi thuế quan như EU. Với chính sách miễn thuế hàng hóa giao dịch hai chiều giữa Việt Nam và EU trong EVFTA, theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, thương mại điện tử xuyên biên giới là kênh giao thương tiềm năng trong thời gian tới.
“Tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên lô hàng nông sản Việt Nam là trái vải được xuất khẩu qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới qua Đức. Nông sản là mặt hàng rất khó xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới bởi vấn đề bảo quản, logistics không hề đơn giản, nhưng chúng ta đã xuất khẩu thành công thì hoàn toàn có cơ hội cho các mặt hàng khác của Việt Nam”, bà Hiền cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng như sự sụt giảm lượng hàng hóa từ các nước khác vào EU.
Bởi lẽ, hiện nguồn hàng tiêu dùng và hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở EU dù không khan hiếm nhưng cũng không còn dồi dào như trước đây do đứt gãy chuỗi cung ứng tại khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc và nghẽn chuyến logistics toàn cầu, đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong khi các đối thủ khác còn đang vật lộn chống chọi với đại dịch.
“Mặc dù chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng tôi nhìn thấy sự phục hồi rất nhanh, lao động quay lại rất nhiều, nhất là những ngành hàng như dệt may, giày dép. Tuyến logistics đường biển bị đứt gãy gây tăng giá thành vận chuyển nhưng Việt Nam cũng đã thông tuyến đường sắt quốc tế, đã có chuyến hàng sang Bỉ, Đức, đây là ‘lối thoát’ mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng”, bà Hiền cho hay.
Tuy vậy, bà Hiền cũng cho biết, lợi thế cạnh tranh từ EVFTA cũng sẽ không kéo dài, chỉ có thể trong khoảng 3-5 năm tới vì hiện nay một số nước Đông Nam Á cũng đang đẩy mạnh đàm phán FTA với EU, nhiều khả năng Malaysia sẽ đến đích chỉ sau Việt Nam và cũng sẽ có lợi thế xuất khẩu hàng hóa vào EU như Việt Nam.
Ngoài ra, thời gian phục hồi và bật lại sức tiêu dùng của EU cũng chỉ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm tới, sau đó sẽ quay trở lại bình thường. Khi thị trường EU ổn định, nỗ lực để Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này khó hơn nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào EU.
Khuyến nghị khi ký kết và thực hiện hợp đồng với đối tác EU
LS. Đinh Ánh Tuyết - Trưởng Văn phòng Luật IDVN, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lưu ý doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng, ngoài rủi ro thương mại thông thường mà các bên đã xác nhận với nhau trong hợp đồng (về chất lượng, giá cả, điều kiện giao hàng, bảo hiểm…), còn những vấn đề khác vượt qua khỏi khả năng thỏa thuận của các bên như sự thay đổi về luật và chính sách của các nước.
Đặc biệt, việc lựa chọn đối tác cũng rất quan trọng. Ví dụ, doanh nghiệp Việt hợp tác với một đối tác rất lớn, nhưng đến khi ký kết hợp đồng, họ lại sử dụng công ty ở các quốc gia được coi là “thiên đường thuế” (Luxembourg, Cộng hòa Cyprus…), hay còn gọi là “công ty vỏ”, tức công ty không có hoạt động thực chất mà chỉ dùng tư cách pháp nhân để được hưởng cơ chế thuế ưu đãi. Trong khi đó, hoạt động chính của công ty đó lại nằm ở quốc gia khác.
“Khi lựa chọn đối tác, doanh nghiệp không chỉ để ý đến người mình làm việc trực tiếp mà còn phải lưu ý đến quốc tịch của công ty họ sử dụng ký hợp đồng với mình để xem công ty đó có tài sản như thế nào, có hoạt động thực chất ở quốc gia đó hay không…”, bà Tuyết khuyến nghị.