Trợ lực từ EVFTA, Việt Nam xuất siêu hơn 13 tỷ USD sang EU
(DNTO) - Theo Bộ Công thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ngày càng tác động rõ nét hơn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng, nhập khẩu của thị trường EU phục hồi.
Theo số liệu của Bộ Công thương tổng hợp, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong tháng 7/2021 đạt 4,73 tỷ USD, tăng 1,41% so với tháng trước và tăng 13,03% so với cùng kì năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU đạt 32,09 tỷ USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 8,56% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với tỷ trọng 9,54% trong 7 tháng năm 2020.
Về cán cân thương mại, tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15,25% so với tháng trước và tăng 3,13% so với tháng 7 năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 13,02 tỷ USD hàng hóa sang thị trường EU, tăng 15,75% so với cùng kì năm trước và bằng 57,73% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU.
Các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam tại EU gồm Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ. Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ EU các mặt hàng gồm máy móc thiết bị phụ tùng, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, thức ăn gia súc, nguyên phụ liệu dệt may…, từ các đối tác là Ireland, Đức, Italia, Pháp, Hà Lan.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU ngày càng thuận lợi khi các doanh nghiệp bước đầu đã tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, để tận dụng ưu đãi thuế quan thông qua xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động trong nắm bắt thông tin, quy định liên quan đến Hiệp định, đồng thời thường xuyên có sự trao đổi với cơ quan chức năng liên quan để được hỗ trợ kịp thời.