Cách giúp doanh nghiệp thuận lợi đưa hàng vào Hà Lan - cửa ngõ EU
(DNTO) - Hà Lan là thị trường mở, sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu nói chung, của thị trường Hà Lan nói riêng, vì vậy doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội thông qua cửa ngõ này tiến sâu vào EU.
Trong Phiên tư vấn trực tuyến xuất khẩu nông sản, thủy sản vào thị trường Hà Lan hôm 9/8, bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại Việt Nam tại Hà Lan cho biết, thị trường Hà Lan có tính mở rất lớn, sẵn sàng nhập khẩu những mặt hàng đáp ứng được tiêu chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu mà không có bất cứ ưu tiên hoặc hạn chế đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản từ quốc gia nào.
Ngoài ra, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi, mà Hà Lan và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định, nên được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nếu doanh nghiệp hai bên thúc đẩy giao thương. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng xin C/O nhằm tận dụng ưu đãi từ EVFTA để xuất khẩu sang EU, trong đó có Hà Lan.
Cũng theo bà Diệp, EU là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng thủy sản Việt Nam nên thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Hà Lan. Tuy nhiên, hàng thủy sản Việt Nam hiện phải cạnh tranh với hàng thủy sản Bangladesh, Ấn Độ, Ecuador…
Còn mặt hàng trái cây, hiện Hà Lan vẫn ưu tiên nhập khẩu từ Nam Mỹ do thế mạnh về thời gian vận chuyển và giá. Vì vậy, để hàng nông sản và thủy sản Việt Nam có thể thâm nhập và tạo được vị thế tại Hà Lan cũng như EU, doanh nghiệp trong nước cần phải tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm phương án vận chuyển tối ưu để giảm giá thành.
Về phía nhà nhập khẩu, Công ty Xuất nhập khẩu LTP (Hà Lan) cho biết, hiện 50% nhập khẩu của công ty này là từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng nông sản, thủy sản, đặc biệt là đặc sản vùng miền đang được người tiêu dùng Hà Lan đón nhận.
Tuy nhiên, để hàng Việt có thể tiến vào một thị trường đòi hỏi tiêu chí môi trường cao như Hà Lan, ông Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP cho biết, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu không nên đóng gói bằng bao bì nilon mà nên thay thế bằng chất liệu thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy.
Đối với sản phẩm nông thủy sản bắt buộc phải đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kĩ thuật, dư lượng thuốc trừ sâu trong giới hạn cho phép.
Ông Hiển cũng lưu ý doanh nghiệp nên chú ý đến quy cách đóng gói sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với mặt hàng khô, nếu bán cho khách sỉ nên đóng tủi từ 20-25kg, nhưng khi đưa vào siêu thị thì phải đóng gói 400-500 gr. Hạt điều chế biến có thể đóng gói 100-500 gr nếu đưa vào siêu thị. Bưởi da xanh có thể đóng 9 quả/thùng…