EVFTA thúc đẩy các doanh nghiệp Pháp quan tâm đến Việt Nam
(DNTO) - Hiệp định EVFTA đã và đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho các trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam.
Sau gần 1 năm có hiệu lực, Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) đã và đang tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới cho các trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam.
Tìm hiểu và khám phá lại Việt Nam, tìm kiếm những cơ hội mới với những điều kiện thuận lợi mới là mục đích mà Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Saône & Loire của Pháp hướng đến khi tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp để trao đổi về Hiệp định EVFTA ngày 16/9. Hơn 50 doanh nghiệp lớn trong tỉnh Saône & Loire và các địa phương lân cận đã đến tham dự, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp, gỗ và chế tạo máy.
Phát biểu chào mừng các doanh nghiệp trong tỉnh Saône & Loire, Đại sứ Việt Nam tại Pháp - Đinh Toàn Thắng cho rằng, Hiệp định EVFTA đã mở ra cơ hội lớn cho mọi doanh nghiệp tại cả Việt Nam và Pháp, nhưng trên hết, hiệp định này là một sự thúc đẩy lớn về nhận thức đối với hình ảnh của Việt Nam trong đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng thông tin cho biết, hiện Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ 3 tại ASEAN và với dân số gần 100 triệu dân, một động lực tăng trưởng bền vững kéo dài nhiều năm qua, với vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á và rộng hơn, là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Việt Nam có những tiềm năng to lớn để đáp ứng được các nhu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp Pháp.
Đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) của tỉnh Saône & Loire, ông Michel Suchaud cho rằng, Việt Nam và tỉnh Saône & Loire chia sẽ những lợi thế tương đồng về địa lý. Cả hai đều là ngã tư giao thương chiến lược quan trọng của Đông Nam Á và châu Âu.
Theo ông Suchaud, với dân số gần 100 triệu người và một tầng lớp trung lưu dự tính chiếm đến 50% dân số Việt Nam vào năm 2035, nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng cũng như tiêu dùng của Việt Nam rất lớn, biến Việt Nam thành một mảnh đất của cơ hội, một đối tác không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Pháp.
Saône & Loire là tỉnh có diện tích lớn thứ 6 tại Pháp và nổi tiếng về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như rượu vang Bourgogne, pho mát, thịt bò cũng như có một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến gỗ, vận tải đường thủy…, ông Michel Suchaud tin rằng, tỉnh Saône & Loire có thể mang đến cho phía Việt Nam nhiều giải pháp.
“Bước đầu tiên cần làm là giới thiệu cho các doanh nghiệp trong tỉnh Saône & Loire về Hiệp định EVFTA, cũng như các dịch vụ hỗ trợ mà chúng tôi đang triển khai sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Chúng tôi cũng đã xác định được một số lĩnh vực xuất khẩu ưu tiên của Pháp đến Việt Nam, như các sản phẩm tiêu dùng cao cấp, rượu vang, cung cấp thiết bị trong các gói thầu giao thông vận tải hay thiết bị y tế. Đây đều là các mảng mà các doanh nghiệp trong tỉnh Saône & Loire chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng. Chúng tôi cũng nhận thấy đã có rất nhiều cải thiện thuận lợi nhờ EVFTA và về khía cạnh đảm bảo về tài chính và pháp lý, các nhà đầu tư chúng tôi không có bất cứ lo ngại nào khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Michel Suchaud chỉ rõ.
Tại diễn đàn, các đại diện đầu tư và thương mại của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cùng các chuyên gia hợp tác quốc tế và hải quan của Pháp đã cung cấp những thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, cũng như các mảng ưu tiên trong chiến lược đầu tư và thương mại của Việt Nam.
Ngoài ra, các đại diện thương mại và đầu tư của Việt Nam cũng giới thiệu chi tiết các lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh mà Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được đối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Pháp, như linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng cũng như các sản phẩm nông nghiệp độc đáo.
Trên thực tế, sau gần 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, khiến hàng rào thuế quan từng bước bị xóa bỏ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang có những cú hích lớn, giúp đưa nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hơn sang thị trường Pháp.
Là người đã có gần 20 năm tìm hiểu và gắn bó với thị trường Việt Nam, ông Thibault Giroux, đại diện cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết, qua trao đổi với các doanh nghiệp tỉnh Saône & Loire tham dự diễn đàn tìm hiểu về EVFTA, ông vẫn nhận thấy sự quan tâm rất lớn của phía Pháp đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Giroux cho rằng, sau gần 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, việc đẩy mạnh truyền thông, tổ chức các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa doanh nghiệp cũng như đại diện chính quyền hai bên vẫn vô cùng cần thiết, vì nhiều doanh nghiệp Pháp vốn đã rất quan tâm đến Việt Nam nhưng cần nhiều thông tin hơn về một Việt Nam đã khác so với trước kia. Ngược lại, phía Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng các hoạt động thực địa, xây dựng thêm nhiều hợp tác ở cấp độ địa phương tại Pháp, không chỉ là các hợp tác, trao đổi thương mại giữa các tập đoàn lớn.
Ông Giroux cũng nhận định, dù tình hình dịch bệnh đang gây ra nhiều khó khăn nhưng đó chỉ là ngắn hạn và về tổng thể, các doanh nghiệp Pháp vẫn rất tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
“Dịch bệnh cũng có một số tác động nhưng chỉ trong ngắn hạn, không ảnh hưởng lớn đến tổng thể của Hiệp định EVFTA cũng như các trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Tình hình hiện nay rất khó khăn cho các nhà đầu tư Pháp và Việt Nam qua lại tìm hiểu thị trường, nhưng tôi có niềm tin lớn là Việt Nam sẽ sớm thoát ra khỏi khó khăn y tế và trong vài tháng nữa chúng ta sẽ chứng kiến Việt Nam mở cửa trở lại để đón các nhà đầu tư, cũng như cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiến sang Pháp và châu Âu. Chúng ta sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái bình thường”, ông Giroux tin tưởng.