Nhập khẩu nhiên liệu: Đừng để tình trạng ‘nước đến chân mới nhảy’
(DNTO) - Từ việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho đến than đá đã cho thấy tình trạng khá chủ quan, thiếu chủ động trong việc đảm bảo nhiên liệu phục vụ cho sản xuất.
Thấy gì khi tăng lượng nhập khẩu nhiên liệu?
Trong quý đầu năm 2022, lượng nhập khẩu nhiên liệu đồng loạt tăng mạnh: than đá tăng 97%, dầu thô tăng 70%, xăng dầu các loại tăng 129%; sản phẩm khác từ dầu mỏ tăng 42,8%... (theo Bộ Công thương).
Nguyên, nhiên liệu vẫn được xếp vào nhóm hàng hóa cần nhập khẩu, để phục vụ cho nền sản xuất trong nước. Khi tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng này gia tăng cũng không quá lo ngại vì một phần thể hiện nền sản xuất Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh việc khai thác, sản xuất nhiên liệu trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, gây thiếu hụt nguồn cung, thì việc nhanh chóng nhập khẩu đề bù đắp thiếu hụt, phục vụ cho nền sản xuất trong nước là vô cùng cần thiết để đảm bảo cho nền sản xuất vận hành trơn tru, không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá xăng dầu thế giới thời gian qua tăng từ 40-60%, giá than đá nhập khẩu cũng tăng rất cao từ 2-3 lần giá than trong nước. Ở một khía cạnh khác, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ kinh tế Việt Nam, một đất nước vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nhiên liệu.
Bởi khi giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, đánh thẳng vào giá thành sản phẩm, làm tăng giá mặt bằng chung của các sản phẩm hàng hóa trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người dân và nguy cơ gây lạm phát.
Vì vậy, việc nhập khẩu với bất kì một nhóm hàng hóa nào, kể cả nhóm hàng hóa cần thiết, cũng cần được tính toán kĩ lưỡng để đảm bảo cân đối xuất nhập khẩu.
Nhìn lại chuỗi cung ứng nhiên liệu trong nước
3 tháng đầu năm 2022, xăng dầu – một loại nhiên liệu, hàng hóa chiến lược của Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cục bộ ở nhiều địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất.
Sang tháng 4, Việt Nam tiếp tục đối diện với việc thiếu hụt điện năng do thiếu than, khi Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) khó khăn trong khai thác, sản xuất. Nguyên nhân được TKV chỉ ra là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên có thời điểm như cuối tháng 2, đầu tháng 3, tập đoàn chỉ còn khoảng 20% lao động đi làm.
Lý do mà TKV đưa ra có thể thông cảm do hầm lò là nơi yếm khí, dễ lây lan dịch bệnh, dẫn đến năng lực khai thác than giảm sút. Tuy nhiên, năm 2022 đã bước sang năm thứ hai TKV hay Việt Nam đối diện với dịch bệnh Covid-19. Trước bối cảnh thị trường luôn biến động, các đơn vị luôn phải có kế hoạch dự phòng rủi ro, đặc biệt với các loại hàng hóa quan trọng là nhiên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất như xăng dầu, than đá, điện; không phải “nước đến chân mới nhảy”.
Bởi không phải lúc nào việc đàm phán nhập khẩu cũng thuận lợi, cả về nguồn cung và giá cả. Nếu nhìn lại tình hình nhập khẩu xăng dầu trong thời gian vừa qua cũng có thể thấy, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ rất khó khăn khi đàm phán nhập khẩu, giá nhập cao trong khi giá bán trong nước chưa được điều chỉnh khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình bù lỗ.
Hiện nay, việc đàm phán nhập khẩu than trong những ngày đầu tháng 4 đã có tín hiệu khả quan khi đối tác sẵn sàng cung ứng lượng lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, đặt giả thiết trường hợp các đối tác không thể cung ứng đủ khối lượng Việt Nam cần, hoặc giá cả quá cao do biến động từ thế giới, thì hệ quả đối với nền sản xuất là rất lớn.
“Nguyên liệu than do nội địa khai thác không đủ tiêu chuẩn để chạy các tổ máy nhiệt điện than, nên việc mua than từ các quốc gia khác để phối trộn là yêu cầu bắt buộc. Thời gian vừa qua cho thấy đang thiếu sự chủ động và chưa tính toán mức giảm sản lượng khai thác than trong nước. Vì vậy cần đẩy mạnh kế hoạch khai thác than và mua bán cung ứng cho nhà máy điện”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, việc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu cũng chỉ là cách thích ứng trong ngắn hạn. Còn để đảm bảo nền sản xuất phát triển bền vững, ổn định, thì việc tự chủ, tự cường trong sản xuất nguyên, nhiên liệu trong nước vẫn được coi trọng hàng đầu.
Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có đủ tiềm lực để đảm bảo cân đối về năng lượng. Vấn đề nằm ở chỗ công tác điều hành, phối hợp và điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn của các bộ, ban, ngành và đơn vị liên quan. Đồng thời, các đơn vị chịu trách nhiệm khai thác, sản xuất, cung ứng nhiên liệu cần suy nghĩ đến việc tái cấu trúc, tăng cường áp dụng công nghệ để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.