3 thế khó khi đầu tư các dự án điện
(DNTO) - Câu chuyện phát triển điện ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở con số 141 tỷ USD cần huy động, mà còn phải giải quyết bất cập trong hệ thống truyền tải và đầu tư xây dựng các dự án điện. Để đón đầu sự phát triển của nền kinh tế, mở rộng sản xuất, điện năng phải luôn đi trước một bước.
Với tăng trưởng GDP từ 6,5-7% theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự báo nhu cầu điện tăng trưởng là khoảng 9%/năm. Ở mức cao hơn có thể lên tới 11,5% trong năm 2022 và bình quân 10,36%/năm trong giai đoạn 2023-2025.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam sẽ cần tới 141,59 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD. Như vậy, bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,16 tỷ USD/năm.
Con số 141 tỷ USD vốn cho ngành điện, đương nhiên một mình Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khó có thể gồng gánh, bởi chính đơn vị này cũng đang chịu mức lỗ lên tới 1.307 tỷ đồng trong năm 2020 và xác định mức lợi nhuận trong năm 2022 cũng bằng 0.
Và với 10 dự án nguồn điện và 338 công trình lưới điện mà EVN dự kiến khởi công trong giai đoạn 2021-2025, đơn vị này cũng cần nguồn vốn lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN, đơn vị này hiện khá khó khăn trong huy động nguồn vốn. Bởi lẽ, Các dự án nguồn điện của EVN có giá trị vốn vay lớn nên phải trình Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) phê duyệt phương án huy động vốn.
Cũng do nguồn cần huy động rất lớn nên cả Ủy ban Quản lý vốn, các ngân hàng thương mại đều cần thời gian thẩm định rất lâu, làm ảnh hưởng tới tiến độ thu xếp vốn cho các dự án điện. Ngoài ra, việc vay vốn ODA/ưu đãi nước ngoài hay vay vốn bảo lãnh Chính phủ cũng không dễ dàng.
Đó là câu chuyện của EVN, một tập đoàn với 100% vốn Nhà nước. Như vậy cũng có thể hiểu được, việc huy động nguồn vốn lớn đối với doanh nghiệp tư nhân để đầu tư cho ngành điện cũng không dễ dàng.
Thế nhưng, vốn cũng chỉ là một trong ba khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đầu tư điện ở Việt Nam, bên cạnh sự bất cập của hệ thống truyền tải và các khó khăn vướng mắc trong đầu tư, xây dựng.
Cụ thể, về vấn đề truyền tải, ông Tài Anh cho biết, để hoàn thành một công trình lưới điện truyền tải cần khoảng 3 – 5 năm. Trong khi đó, với cơ chế khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, thời gian xây dựng nhanh (3-6 tháng với nguồn điện mặt trời, 18-24 tháng với nguồn điện gió), nên thời gian qua đã có hơn 20.000 MW điện mặt trời, điện gió đưa vào vận hành, vượt quá năng lực truyền tải của lưới điện.
Điều này là nguyên nhân điện tái tạo mặc dù dư thừa nhưng không thể đưa vào hệ thống. Trong khi đó, hiện Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt nên EVN chưa có căn cứ để triển khai các công trình lưới điện truyền tải.
Ngoài ra, vướng mắc cố hữu trong vấn đề đầu tư xây dựng các dự án điện trong nhiều năm qua vẫn liên quan đến việc bố trí quỹ đất, giải phóng mặt bằng và cơ chế đề bù.
Vì vậy, để phát triển dự án điện một cách hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời, cần giải quyết đồng thời 3 vướng mắc trên. Việc chậm chễ trong một khâu nào đó cũng có thể ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng điện.
Đặc biệt, với cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về Net Zero vào năm 2050, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Và khi phát triển năng lượng tái tạo, để tránh lặp lại “vết xe đổ” từ việc phát triển quá nóng các dự án điện mặt trời trong thời gian qua, thì 3 vướng mắc trên càng cần được giải quyết nhanh chóng.
“Việt Nam chưa khai thác hết khả năng năng lượng xanh như điện gió, điện mặt trời, và chưa có đủ thiết bị để tiếp thu nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió mà sản xuất ra, gây bức xúc cho nhà đầu tư và thiệt hại cho nền kinh tế. Đây là bài toán cần giải quyết trong thời gian trước mắt”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.