‘Cơn khát vàng đen’ đang được giải bằng cách nào?
(DNTO) - Mối lo thiếu điện từ việc thiếu than đang rất ‘nóng’ trong những ngày gần đây, khi kinh tế đất nước đang trong giai đoạn phục hồi, nhu cầu điện sản xuất là rất lớn. Vì vậy, các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đủ trong năm 2022 cấp bách hơn bao giờ hết.
Thông tin thiếu hụt 1,36 triệu tấn than cho sản xuất điện ngay trong quý đầu năm 2022 đã làm cho các mối quan tâm về lĩnh vực năng lượng càng thêm nóng. Bởi lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiếu hụt đã buộc nhiều tổ máy nhiệt điện than phải dừng và giảm phát, dẫn đến toàn hệ thống điện quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW.
Nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi vẫn tiếp tục hiện hữu, khi khu vực miền Bắc sắp bước vào đợt nắng nóng cao điểm. Trong khi đó, Việt Nam đang trong tiến trình phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất, nhu cầu về điện là rất lớn. Việc để mất cân đối năng lượng sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nền kinh tế và quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, tìm lời giải cho cơn khát vàng đen đang là vấn đề được đặt lên bàn các cơ quan chức năng.
Hiện đang có 3 phương án cấp bách để bù đắp cho lượng điện thiếu hụt từ việc thiếu than: một là tăng cường nhập khẩu than để phục vụ sản xuất điện; hai là tăng cường nguồn điện khác như thủy điện, điện khí, năng lượng tái tạo…; ba là nhập khẩu điện từ Lào.
Đối với phương án nhập khẩu than, ngay trong những ngày đầu tháng 4, Bộ Công thương, đơn vị quản lý ngành đã liên tục ngồi làm việc với đại diện các nước Nam Phi, Úc, để bàn về việc nhập khẩu than ngay trong tháng 4, tháng 5. Tín hiệu từ các buổi làm việc khá khả quan khi các đối tác đồng ý cung ứng lượng than cho Việt Nam cũng như hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất nhập khẩu than của hai nước.
Tuy vậy, một lo ngại hiện hữu là giá than nhập khẩu hiện đang ở mức cao. Tính đến giữa tháng 3, giá than nhập khẩu lên tới 228,5 USD/tấn, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kì năm trước, theo Tổng Cục Hải quan. Giá than liên tục leo thang là áp lực rất lớn đối với hoạt động sản xuất điện trong nước, nếu phụ thuộc vào nhập khẩu than.
Cũng trong cuộc họp về vấn đề đảm bảo cung ứng điện, than, khí cho sản xuất điện cách đây 4 hôm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh quan điểm là phải thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ của ngành điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong đó, việc cấp bách trước mắt là phải tập trung khai thác hết công suất dầu, khí, than trong nước rồi mới tính đến nhập khẩu để không tác động xấu tới cân đối xuất nhập khẩu.
Đối với phương án tăng cường các nguồn điện khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo, là phù hợp với những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong tiến trình giảm dần điện than và tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là nguồn tài chính đầu tư cho phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời và ai có thể chịu đựng mức giá đắt đỏ của nguồn năng lượng tái tạo.
Còn với phương án nhập khẩu điện từ Lào, hiện 2 gói thầu thi công dự án truyền tải nhập khẩu điện từ Lào vừa được kí kết vào cuối tháng 3, dự kiến sẽ hoàn thành và đóng điện vào quý 4/2022 và quý 1/2023.
Hai dự án trên đều do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 2 thực hiện công tác quản lý dự án. Đây là hai dự án rất quan trọng trong việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, vấn đề là đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án cần được chú trọng.
Xét về yếu tố khách quan, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phân phối điện, việc cung ứng than, khí cho sản xuất điện chịu tác động lớn từ dịch bệnh Covid-19 như ảnh hưởng từ giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, giá cước vận tải tăng cao; nhu cầu điện tăng mạnh do sự phục hồi và phát triển kinh tế; xung đột Nga - Ukraine...
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là do công tác điều hành còn nhiều vướng mắc, việc dự báo, xây dựng các kế hoạch về sản lượng, tiến độ, nhu cầu… năng lượng còn chưa sát và chưa linh hoạt với tình hình thực tế, nhất là khi điện, than, khí diễn biến phức tạp theo những biến động của thế giới.
Than vốn được xem là “vàng đen”, là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, không chỉ sản xuất điện. Vì vậy, để đảm bảo sản lượng, giá của nhiên liệu này được ổn định, cần những kế hoạch dài hơi.
Do vậy, về dài hạn, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giá điện, giá than, các vướng mắc trong thanh quyết toán liên quan đến sản xuất điện, phù hợp với thị trường trong từng thời kỳ, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.