Đổ dồn đầu tư điện gió: Cần tránh lặp lại 'vết xe đổ' từ điện mặt trời
(DNTO) - Sau khi Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương giảm quy hoạch điện mặt trời, tăng điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2031-2045, nhiều địa phương rục rịch chạy theo nguồn năng lượng mới này.
Tấp nập đầu tư điện gió
Trong ý kiến về dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, theo tờ trình của Bộ Công thương ngày 21/2, tổng công suất nguồn đạt đến năm 2030 là 146.000 MW, đến năm 2045, quy mô nguồn điện sẽ là 352.000 MW.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, công suất điện mặt trời giai đoạn 2031 - 2045 theo tính toán chiếm khoảng 25% cơ cấu công suất nguồn điện là quá cao, Bộ Công thương cần nghiên cứu chuyển đổi năng lượng theo hướng sẽ giảm các nhà máy nhiệt điện, giảm quy mô nguồn điện mặt trời, tăng nguồn điện gió ngoài khơi.
Quyết định trên được xem là “mở đường” cho việc phát triển điện gió tại nhiều địa phương.
Đơn cử như tại Lâm Đồng, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa báo cáo UBND tỉnh nhằm xin bổ sung 4 nhà máy điện gió gồm Đơn Dương 1, 2, 3 và 3A với tổng công suất gần 200 MW vào quy hoạch điện. Theo kế hoạch, 4 nhà máy điện gió mới sẽ có 12 trụ tuabin, tổng mức đầu tư dự toán 7.600 tỷ đồng và dự kiến có sản lượng điện phát lên lưới hơn 170 MWh/năm.
UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án Nhà máy điện gió Thăng Long, công suất 96 MW, có tổng vốn đầu tư 3.860 tỷ đồng. Đây là dự án điện gió thứ 9 trên địa bàn tỉnh được cấp chủ trương đầu tư. Hiện tỉnh đã có 5 công trình điện gió hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 322MW.
Hà Tĩnh cũng 'gật đầu' cho Công ty CP Eco Land nghiên cứu, khảo sát dự án nhà máy điện gió biển Kỳ Anh với diện tích nghiên cứu, khảo sát khoảng 6.161 ha trên mặt biển.
Hay tại Lạng Sơn, một loạt các ông lớn như BayWar.e. Wind Projects Việt Nam (CHLB Đức), Tập đoàn Trung Nam, Công ty CP Đầu tư Năng lượng Europlast, Tập đoàn Hà Đô, Công ty CP Năng lượng An Xuân đổ bộ về địa phương với đề xuất xin chấp thuận việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu, bổ sung quy hoạch các dự án điện gió.
Theo GS.TSKH Trần Đình Long, chuyên gia năng lượng, việc giảm điện mặt trời, tăng điện gió là hợp lý vì điện gió đang chiếm nhiều ưu thế hơn điện mặt trời về thời gian phát điện, sự ổn định, giảm thiểu tác động về môi trường. Đặc biệt, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, về cơ cấu nguồn điện tái tạo giữa điện gió so với điện mặt trời trong quy hoạch không nên quá chênh lệch, cần được chú trọng như nhau.
Tránh đi vào 'vết xe đổ' của điện mặt trời
Theo các chuyên gia, việc phát triển điện gió, điện mặt trời hay các nguồn năng lượng tái tạo nói chung là cần thiết và được ưu tiên như nhau, để phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2050, tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).
Tuy vậy, bài học về việc các dự án điện mặt trời mái nhà phát triển quá “nóng” tại một số địa phương thời gian qua vẫn còn hiện hữu.
Theo Bộ Công thương, tới hết năm 2020, có thêm 384 dự án hoàn toàn mới với tổng công suất 51.552 MW được bổ sung vào quy hoạch điện. Trong đó, có 190 dự án điện gió với tổng công suất 11.860 MW và 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất 15.450 MW. Chưa kể 105.000 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 7.755 MW đã đưa vào vận hành với giá ưu đãi nhưng chưa hề được lên kế hoạch trong quy hoạch điện hiện hành.
7.220 MW điện mặt trời mái nhà tập trung ở miền Trung và miền Nam gây hiện tượng thừa nguồn ở khu vực này, quá tải cho hệ thống lưới điện truyền tải và gây khó khăn cho công tác vận hành. Để bảo đảm an toàn hệ thống điện, ngành điện buộc phải cắt giảm phát điện từ các dự án điện mặt trời áp mái, gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư.
Trong khi đó, đến cuối năm 2021, các nguồn điện gió, điện mặt trời là 20.670 MW trong tổng công suất 76.620 MW, chiếm tỷ trọng tới 27,0%. Tuy vậy, trong giai đoạn cao điểm 2021, hệ thống mới đạt công suất phụ tải là 43.518 MW, thậm chí tại miền Bắc, vẫn có những thời điểm hệ thống thiếu điện do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhìn sang điện gió, theo chuyên gia, đầu tư điện gió đòi hỏi nguồn vốn cao hơn, chi phí đắt gấp đôi gấp ba so với đầu tư điện mặt trời mái nhà, dẫn đến giá thành cao hơn, gây khó thu hút đầu tư. Vì vậy, nếu không chú trọng đầu tư đường truyền tải song song với đầu tư nguồn điện, thì “vết xe đổ” của điện mặt trời sẽ lặp lại. Do đó, theo chuyên gia, đầu tư điện và đầu tư đường truyền tải cần được nghiên cứu kĩ lưỡng và quy định chi tiết trong Quy hoạch điện 8 sắp tới.