Nhà sản xuất truyền thông số Trương Huyền Đức: ‘Nhiều tác phẩm của nghệ sĩ không hơn gì AI sáng tác’
(DNTO) - Trương Huyền Đức, người đứng sau nhiều dự án phim, game danh tiếng thế giới, cho biết những nghệ sĩ, họa sĩ kém chuyên môn sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi AI (trí tuệ nhân tạo), khi công nghệ đang làm rất tốt việc sáng tạo nghệ thuật.
‘AI như một đứa trẻ, xấu tốt là do người dùng’
Trương Huyền Đức (biệt danh: fxEVO) là một cái tên không còn xa lạ với giới thiết kế, nghệ thuật. Anh từng bắt tay với nhiều nhà sản xuất phim, game danh tiếng trên thế giới như 20th Century Fox, Riot, Bethesda Softwork, Blizzard… trong các dự án phim đình đám như Star Wars Rogue One, Star Wars The Last Jedi, Thor Ragnarok, Blade Runner 2049...
Anh hiện là nhà sản xuất truyền thông số tại startup kỳ lân Sky Mavis, đồng thời cũng là cố vấn Hội đồng Khoa học Công nghệ của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh AMPAS (đơn vị tổ chức giải thưởng Oscar). Trong buổi đối thoại "AI cho ai", Đức đã có những chia sẻ về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực thiết kế.
Là một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế nghệ thuật, Trương Huyền Đức cho biết một trong những điều anh thích nhất ở AI là sự “không sợ hãi, không do dự”. Nếu con người bị ràng buộc bởi thể chế chính trị, mối quan hệ xã hội… thì trí tuệ nhân tạo mang lại sự tự do hơn cho con người thể hiện những điều họ muốn nghĩ và muốn thể hiện.
“Những nghệ sĩ minh họa thông thường phải mất 5-10 năm học tập để vẽ được những tác phẩm đạt chất lượng mà mọi người có thể hiểu được nó như họ hiểu. Trong khi đó, với AI, những người dùng bình thường cũng có thể sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Trong tương lai, các công cụ tạo hình bằng AI sẽ đa dạng đến mức những người sáng tạo nội dung không cần phải hiểu nhiều về máy tính và nghệ thuật, chỉ cần có ý tưởng, câu chuyện cũng có thể sáng tạo những hình ảnh truyền tải đến mọi người”, Huyền Đức chia sẻ.
Nhà sản xuất này cũng cho biết, chuyện ăn cắp phong cách sáng tạo của các nghệ sĩ, hay sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để ghép vào các video có nội dung xấu đang là vấn đề nhức nhối mà mọi người lo ngại về AI.
Nhưng, theo quan điểm của Đức, AI cũng giống như một đứa trẻ, những điều xấu trong AI mà nhiều người tranh cãi hiện nay đến từ con người đặt vào nó. Việc những người dùng sử dụng AI như thế nào, vào những mục đích cá nhân, những động cơ không trong sạch là do con người, còn bản chất của công nghệ không có gì xấu.
Nghệ sĩ chuyên môn kém sẽ bị AI thay thế
Tại triển lãm nghệ thuật bang Colorado (Mỹ) dành cho các tác phẩm nghệ thuật mới đây, Jason Allen mang tới tác phẩm nghệ thuật số có tên “Théâtre D'opéra Spatial” (tạm dịch” “Không gian Nhà hát Thính phòng”).
Thay vì sử dụng cõ hay bảng vẽ kĩ thuật số, Jason Allen sử dụng MidJourney, công cụ AI để vẽ tranh. Bằng cách nhập các từ khóa cụ thể, công cụ AI sẽ tìm kiếm trong kho dữ liệu những hình ảnh khớp để hoàn thành tác phẩm. Các chi tiết trong tranh sẽ phụ thuộc vào số từ khóa được nhập vào. Allen còn sử dụng cả Photoshop để chỉnh sửa và hoàn thiện tác phẩm.
“Không gian Nhà hát Thính phòng”, tác phẩm tạo ra bởi một công cụ trí tuệ nhân tạo, đã được ban giám khảo đánh giá cao hơn mọi bức tranh được tạo ra bằng phương pháp truyền thống và giành giải nhất trong hạng mục “tranh kỹ thuật số”.
AI hiện đang được sử dụng rộng rãi trong sáng tác nghệ thuật, từ việc tạo ra các bài hát, các nhân vật trong game, phim ảnh, các tác phẩm hội họa, sản phẩm thời trang… Băn khoăn đặt ra rằng, liệu nghệ sĩ có bị thay thế bởi AI?
Trả lời câu hỏi này, Trương Huyền Đức cho rằng nhiều người cho rằng nghệ sĩ có thể bị thay thế bởi AI, điều này vừa đúng, vừa sai. Đúng vì những người nghệ sĩ, họa sĩ chuyên môn chưa tốt, họ sẽ dễ dàng bị thay thế bởi AI.
“Tôi đã gặp nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, kể cả những người có tên tuổi, các tác phẩm, phương pháp sáng tác của họ không hơn gì AI. Họ bán được tác phẩm chủ yếu thông qua truyền thông, marketing, bản chất tác phẩm, cách họ trộn cái này, lấy cái khác, ghép vào. Với tôi nhóm đó là nhóm dễ bị thay thế. Còn với các nghệ sĩ, nghệ thuật của họ có câu chuyện, nội dung sâu sắc, thì AI sẽ mất rất nhiều thời gian để học mới có thể tạo được, thì vị trí của họ rất vững vàng, nhưng họ cũng là những người chống lại AI mạnh nhất”, Huyền Đức cho biết.
Với quan điểm cá nhân, Huyền Đức cho biết không chống lại AI nhưng cũng không hoàn toàn cổ súy. Bởi nhiều người lầm tưởng Digital Art (nghệ thuật số) là chỉ cần cú click chuột, không cần phải cố gắng, nhưng công cụ số chỉ để giúp hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ trở nên thoải mái hơn. Công cụ số mang đến cho nghệ sĩ quyền lực mới lớn hơn, nhưng cũng gắn trách nhiệm lớn hơn, buộc người nghệ sĩ phải đưa ra nội dung mới, câu chuyện mới.
“Không có việc gì AI làm được mà con người không làm được. AI vẫn chỉ là học trò của con người, nhưng hiệu quả hơn về hiệu suất làm việc so với con người làm theo các phương pháp truyền thống” Huyền Đức nhấn mạnh.