‘Nhà nước cần cam kết mua lại dự án giao thông PPP nếu có lỗi của Nhà nước’
(DNTO) - Đại biểu cho rằng giải pháp chỉ nâng vốn nhà nước trong dự án giao thông PPP dễ trở thành hình thức khác của đầu tư công. Cần cân nhắc tuỳ theo dự án PPP để xác định tỷ lệ vốn Nhà nước cho phù hợp.
Tranh luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải về triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, đại biểu Phạm Thúy Chinh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách), cho rằng tập trung vào nâng vốn nhà nước tham gia dự án PPP dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Vị này cho rằng cần tránh xu hướng đầu tư PPP như đầu tư công và đầu tư tư nhân thuần túy.
“Nhà nước cần cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP như mua lại các dự án nếu có lỗi của Nhà nước; cam kết cân đối vốn; chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định chi tiết trong Luật Đối tác công tư”, bà Chinh nêu quan điểm.
Thừa nhận việc thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông thời gian qua chưa hiệu quả, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng lý giải toàn quốc có 5,2 triệu ôtô, 50% số này tập trung tại Hà Nội và TP HCM, nên việc thu hút nhà đầu tư khó khăn.
Giai đoạn 2016, Việt Nam có 70 dự án giao thông PPP nhưng hiện rất nhiều dự án vướng mắc chưa được tháo gỡ. Nhiều dự án đến thời điểm nhưng chưa được tăng phí vì liên quan đến điều hành giá và chỉ số giá tiêu dùng CPI. Có dự án chưa được hoàn vốn. Điều này ảnh hưởng niềm tin của doanh nghiệp.
"Đằng sau các doanh nghiệp là ngân hàng, khi các ngân hàng thấy dự án có rủi ro thì rất khó để họ tham gia, như vậy doanh nghiệp không thể thực hiện được", Bộ trưởng Thắng nói.
Về vấn đề vốn nhà nước trong dự án PPP, ông Thắng cho biết một số nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước, có dự án Nhà nước tham gia nhiều nhưng hiệu quả không tốt, hoặc dự án có khả năng thu hồi vốn cao thì Nhà nước chỉ tham gia 20-30%.
"Bộ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút vốn của doanh nghiệp thông qua nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí", ông Thắng cho hay.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc tranh luận các nước không quy định tỷ lệ vốn Nhà nước mà tùy theo tính chất dự án, còn ở Việt Nam, Nhà nước tham gia tối đa 70%. Vị này cho rằng cần căn cứ vào tính chất từng dự án, trong từng giai đoạn để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước. Ví dụ vùng khó khăn, xa xôi thì vốn Nhà nước cần tăng lên.
“Đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa luật PPP để phù hợp thực tiễn, không chỉ trong lĩnh vực giao thông mà y tế, giáo dục cũng đang bế tắc. Với dự án PPP trong một số lĩnh vực, có thể chỉ 10 tỷ, 20 tỷ đồng cũng phù hợp, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục", ông Lộc nêu quan điểm.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề giao thông vận tải, đại biểu Lê Hoàng Anh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách) cho rằng từ nhiệm kỳ trước, các dự án do Bộ làm chủ đầu tư hay do địa phương thực hiện đều chuẩn bị đều chưa tốt chứ không chỉ vướng mắc tại 3 dự án ở Đồng bằng sông Cửu Long như Bộ trưởng nói.
Ví dụ dự án ODA xây quốc lộ 19 qua Gia Lai đã hết hiệp định đến nay chưa hoàn thành, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng điều chỉnh thời gian thực hiện và 4/5 nguyên nhân do công tác chuẩn bị.
“Việc chuẩn bị không tốt dẫn đến phải điều chỉnh từ thời gian đến tổng mức đầu tư. Theo tôi nguyên nhân là do yếu kém, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu tầm nhìn, đánh giá sai thực tế", đại biểu Lê Hoàng Anh nói.
Theo vị này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy dự án chuẩn bị kỹ lưỡng từ 3-5 năm hoặc 10-20 năm nhưng giải ngân chỉ vài năm. Nhưng dự án ở Việt Nam chuẩn bị vài tháng hoặc 1-2 năm nhưng giải ngân vài kỳ trung hạn. Ông đề nghị Bộ trưởng tham mưu Thủ tướng, Chính phủ tổng kết, xác định nguyên nhân để có giải pháp xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện đã có Nghị quyết đặc thù cho TPHCM, trên cơ sở những Nghị quyết này sẽ tổng kết, nghiên cứu để hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Luật PPP.