Liên kết doanh nghiệp vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ: Đẩy mạnh phát triển dự án hạ tầng giao thông lớn
(DNTO) - Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ, nhưng đây vẫn là "vùng trũng" trong phát triển và là "lõi nghèo" của cả nước. Một trong những nguyên nhân là "năng lực kết nối giao thông còn hạn chế...
Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ”, chiều 27/9, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.
Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai, cho rằng một trong những nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là "năng lực kết nối giao thông, bao gồm cả trục dọc và trục ngang còn nhiều hạn chế, hạ tầng giao thông ở khu vực này chưa đồng bộ, mới chỉ nghiêng về giao thông đường bộ (nhưng cũng chưa hoàn chỉnh, mới chỉ hình thành một số tuyến cao tốc như: Nội Bài – Lào Cai, hay Hà Nội – Thái Nguyên…)", dẫn đến tình trạng các địa phương trong vùng như những người hàng xóm "gần nhà xa ngõ", muốn từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên đến Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ nhanh nhất chỉ có cách đi về Hà Nội rồi quay ngược lại vì thiếu trục giao thông ngang kết nối giữa hai địa phương…. Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội giao thương, xúc tiến đầu tư của các tỉnh trong vùng.
Theo ông Khánh, để hiện thực được mục tiêu xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc, đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ theo tinh thần của Nghị Quyết 11 của Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Lào Cai kiến nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.
Tuyên Quang cũng là một tỉnh nhiều tiềm năng thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng cho rằng, nút thắt giao thông chính là điểm nghẽn của khu vực này.
Ông Sơn cho biết, Tuyên Quang đã coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Tập trung kiểm soát chặt chẽ với tinh thần rừng đặc dụng phải bảo vệ, đảm bảo giữ vững diện tích rừng đặc dụng nhằm phát huy giá trị cảnh quan rừng đặc dụng làm du lịch.
“Với xu thế của ngành du lịch đang dần chuyển sang du lịch rừng, cùng ưu thế có nhiều di tích lịch sử quan trọng, Tuyên Quang đang triển khai các dự án khai thác rừng đặc dụng để phát triển du lịch”, ông Sơn nói.
Ông Sơn thẳng thắn bày tỏ, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại 3 điểm nghẽn lớn đang cần tập trung cao độ là quy hoạch, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuyên Quang nỗ lực trong 2 năm gần đây làm đường cao tốc kết nối Nội Bài - Lào Cai với Tuyên Quang và dự kiến trong năm nay sẽ được khánh thành, và dự kiến năm 2025 có tuyến đường xuyên qua tỉnh Tuyên Quang, đồng thời triển khai những tuyến đường kết nối ngang để kết nối với các địa phương khác như Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang để giải quyết vấn đề hạ tầng liên kết vùng, mang lại cơ hội phát triển cho các tỉnh vùng núi Bắc Bộ.
Mặt khác, ông Sơn cũng đề nghị, các Bộ, ban ngành cần chú ý đến 2 nút thắt của địa phương là bảo vệ rừng đặc hộ và rừng đặc dụng. Hiện nay theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang khoán cho người dân bảo vệ khoảng 300-400 nghìn/hecta 1 năm. Tuy nhiên điều này sẽ không đảm bảo sinh kế cho người dân, khó giữ được rừng.
Do đó, ông Sơn kiến nghị có thể nâng mức khoán cho người dân lên 800-1 triệu/ hecta rừng 1 năm để đảm bảo sinh kế cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn cả, khi liên kết nội vùng được phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng.
“Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng Trung du miền núi Bắc Bộ không chỉ đem đến động lực mới cho vùng mà còn đem đến sự kết nối từ chính mối dây doanh nghiệp", Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ.