Bất cập khi Hà Nội, TP.HCM có lối đi riêng, các tỉnh còn lại ‘mỗi người nhìn một hướng’
(DNTO) - Thiếu liên kết nên các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, trong khi các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững... chưa thực sự trợ lực cho kinh tế Việt Nam cất cánh.
‘Khát’ không gian phát triển mới
Câu chuyện liên kết đã được phân tích nhiều năm nay, được kì vọng là triển vọng cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhằm giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới.
Trao đổi trong Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương sáng 3/8, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết lĩnh vực kinh tế tập thể với 7 triệu thành viên ở các địa phương trong cả nước cũng đang kỳ vọng rất nhiều vào tác động của liên kết vùng.
Tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước có 30.425 hợp tác xã, 133 liên hiệp hợp tác xã, 120.983 tổ hợp tác trong đó có 76.456 tổ hợp tác nông nghiệp. Việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động sẽ giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
Và liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức do thiếu cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế. Điều này dẫn đến sự liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ.
“Khi nói đến liên kết, trong khi nguồn lực còn hạn chế, thiết chế của chúng ta chưa cho phép, nhưng lại bàn quá nhiều nội dung liên kết nên rất khó để triển khai”, ông Thịnh nói.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) cho biết, nước ta hiện có 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm. Năm ngoái, 4 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp gần 75% vào GDP của cả nước. 39 tỉnh, thành còn lại đóng góp khoảng 25,12% vào GDP cả nước.
Tuy nhiên, do quy hoạch còn bất cập nên các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, trong khi các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững. Điều này dẫn đến khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp. Thực tế các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết.
“Tình trạng quá nhiều quy hoạch ở cấp địa phương, quy hoạch dàn trải, không tính đến lợi ích kinh tế chung và lợi ích cộng đồng, chưa làm rõ được tính đặc thù, thế mạnh của mỗi địa phương và liên kết nội vùng đã gây ra lãng phí và phức tạp trong thực hiện”, ông Tuấn nói.
Ở góc độ địa phương, bà Lê Thị Tâm, Chủ Tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình cho biết dù nằm ở vị trí chiến lược nhưng việc thiếu liên kết vùng với Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nên Ninh Bình gặp nhiều khó khăn để phát triển các chuỗi giá trị, năng lực cạnh tranh còn thấp, chưa phát huy được lợi thế tài nguyên và điểm mạnh của các hợp tác xã.
“Biểu hiện của tình trạng này chính là vấn đề đầu ra của người dân, hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng cung- cầu chưa gặp nhau vẫn xảy ra. Trong khi đó, đa phần các hợp tác xã thời gian qua phát triển chủ yếu dựa vào việc khai thác các tài nguyên sẵn có tại địa phương nên các sản phẩm còn khá đơn điệu và trùng lặp, thiếu dịch vụ bổ sung”, bà Tâm nói.
Cần thoát khỏi những cách làm cũ
Đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất cần xây dựng các cơ sở dữ liệu chung, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh ở vùng, yêu cầu về quy mô, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng hướng đến giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm. Một khi có cơ sở dữ liệu chung thì sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.
“Chẳng hạn có những mặt hàng nào đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì chúng ta sẽ nắm được mặt hàng này ở địa phương nào của vùng đang dư thừa, sẽ giúp cung ứng kịp thời, tránh nguy cơ thiếu hay đứt gãy chuỗi nguyên liệu sản xuất”, ông Thịnh đề xuất.
Ts. Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.
Từ khi thành lập 6 vùng kinh tế - xã hội đến nay, văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến phát triển vùng mới dừng ở mức Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động của chính quyền địa phương trong vùng lại được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật mang tính pháp lý cao hơn (như: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội,...) nên hoạt động liên kết vùng thời gian qua gặp rất nhiều hạn chế.
“Do vậy, các cơ quan cũng đang nghiên cứu các nội dung tham mưu ban hành văn bản pháp luật ở cấp Luật hoặc sửa đổi một số văn bản pháp luật có tính pháp lý cao. Chẳng hạn, cơ chế bảo đảm nguồn lực cho các dự án liên kết vùng, bao gồm khả năng có ngân sách cấp vùng, hay quỹ phát triển vùng, sẽ là một nội dung còn nhiều tranh luận”, bà Minh nói.