Nguy hại khi ứng dụng ChatGPT xuyên tạc về lịch sử Việt Nam
(DNTO) - Cho rằng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, hay nói rằng chiến tranh Việt Nam chống đế quốc là nội chiến…, công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT đang gây nhiều lo ngại cho người sử dụng.
ChatGPT là chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hot nhất hiện nay khi có thể trả lời đầy đủ các câu hỏi người dùng đưa ra trong mọi lĩnh vực, từ làm thơ, soạn nhạc, viết bài luận, viết báo, cho đến cả lập trình…
Sức hấp dẫn của ChatGPT khủng khiếp đến mức đã thu hút 100 triệu người dùng trên khắp thế giới chỉ sau 2 tháng ra mắt. Tại Việt Nam, trên mạng xã hội hiện nay, hàng loạt hội nhóm được lập ra nhằm mục đích trao đổi thông tin, mua bán tài khoản về ChatGPT, thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn người tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ChatGPT đang gây nhiều lo ngại về việc truyền tải sai lệch những kiến thức cơ bản về lịch sử Việt Nam.
Cụ thể, khi người dùng đặt câu hỏi về Bác Hồ, ngay lập tức, công cụ ChatGPT trả về thông tin hoàn toàn sai lệch: “Bác Hồ là một trong những người giàu nhất thế giới và cũng là nhà từ thiện và nhà sáng lập của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông đã từng tạo ra một số công ty lớn và góp phần quan trọng để giúp phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới”.
Tương tự, với câu hỏi về vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, công cụ trí tuệ nhân tạo này cho rằng họ là hai nhân vật lịch sử khác nhau, Nguyễn Huệ là vị vua cuối cùng của triều đại Tây Sơn và Quang Trung là vị vua của triều đại Nguyễn.
Nguy hại hơn, với câu hỏi về chiến tranh Việt Nam, ChatGPT còn đưa ra một câu trả lời mang tính xuyên tạc lịch sử...
Như vậy, bên cạnh những yếu tố tích cực trong việc hỗ trợ soạn thảo văn bản, ChatGPT cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như phát tán mạnh mẽ những thông tin sai lệch. Đặc biệt, khi những kiến thức về lịch sử bị xuyên tạc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là thế hệ học sinh, sinh viên, chưa đủ kĩ năng và kiến thức để chọn lọc thông tin.
Chính Open AI (đơn vị phát triển ChatGPT) cũng cho biết không có trách nhiệm về thông tin cung cấp trên ứng dụng này. Người dùng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc sử dụng và áp dụng thông tin do ChatGPT cung cấp. Đơn vị cũng khuyến cáo người sử dụng nên lấy nhiều nguồn thông tin khác nhau và kiểm tra chính xác thông tin trước khi quyết định.
“Ứng dụng này có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc đưa ra các hướng dẫn độc hại với nội dung sai trái. Nguyên nhân là AI chỉ đơn giản đưa ra phản hồi dựa trên thuật toán xác suất chứ không thực sự hiểu nội dung mà nó đang được hỏi”, Open AI cho hay.
Còn PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam khi trả lời Báo Tiền phong cũng cho rằng, ChatGPT giống như những trang tìm kiếm thông tin khác, có thể đúng hoặc sai. Nhưng nguy hiểm hơn, những thông tin ChatGPT đưa ra khá giống với văn phong con người, có tính logic cao nên người dùng rất khó để phân biệt được tính chính xác của thông tin. Do vậy, người dùng cần xác minh thông tin "chéo" với những tài liệu khác để kiểm chứng.