Người tiêu dùng còn hào hứng với 'đại tiệc sale' cuối năm?
(DNTO) - Tận dụng khoảng thời gian còn lại của năm, các doanh nghiệp đua nhau kích thích tiêu dùng với những chương trình khuyến mãi được tuyên truyền rầm rộ. Song, điều mà người dân quan tâm là những chương trình khuyến mại có mang lại thực chất hay không, hay chỉ là những chiêu trò kích cầu của những nhãn hàng và các doanh nghiệp?
Khuyến mãi "khủng" nhưng "thượng đế" chỉ là trên giấy tờ
Mùa “săn sale” năm nay, thị trường sôi động hơn khi chỉ còn 1 tháng nữa là tới Tết nguyên đán. Trọng tâm của tháng khuyến mại này là đẩy mạnh hoạt động ưu đãi trên các sàn thương mại điện tử. Dịch bệnh khiến hình thức mua sắm online trong 2 năm trở lại đây lên ngôi. Không thể phủ nhận sự tiện lợi khi mua hàng trên các nền tảng trực tuyến, song đã có nhiều “cú lừa”, nhiều đối tượng lợi dụng những dịp khuyến mại này, trà trộn bán hàng giả, hàng kém chất lượng để móc túi người tiêu dùng.
Chưa kể, để kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi, giảm giá cũng bị biến tướng vì nhiều chiêu thức giảm giá "ảo", xả hàng tồn của các đơn vị kinh doanh. Thông qua nhiều khuyến mại hấp dẫn, các nhà bán lẻ có thể đã tăng giá bán trước đó hoặc thậm chí “gài bẫy” bằng các chiêu quảng cáo thổi phồng nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Ghi nhận thực tế, nhiều sản phẩm được quảng cáo giảm giá hơn 50%, thậm chí giảm từ 70-80%, nhưng thực chất giá sản phẩm sau khi khuyến mãi không mấy chênh lệch so với giá bán thường ngày. Thậm chí nhiều gian hàng cố tình đẩy giá cao hơn trước ngày sale, sau đó giảm xuống.
Chị Minh Anh ở phố Sài Đồng (Long Biên) thông tin, đa phần sản phẩm được áp dụng mức giảm giá 70% - 80% chủ yếu là hàng hóa mẫu mã cũ, lẻ số nên không phải tất cả mọi đối tượng khách hàng đều phù hợp, thậm chí có cửa hàng khuyến mại ảo bằng cách nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.
"Chiếc áo khoác mình thích ngày thường giá 600.000 đồng, nay cửa hàng nhắn tin giảm 50% nhân dịp Black Friday, nhưng khi đến mua mới biết cửa hàng đã tăng lên 1,2 triệu đồng sau đó giảm 50% còn 600.000 đồng. Rõ ràng đây là giảm giá ảo", chị Minh Anh bức xúc.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với Doanh Nhân Trẻ Online, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, chưa khi nào các chương trình khuyến mãi, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay. Mặc dù được quảng cáo là giảm giá sập sàn, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi thực chất, không ít doanh nghiệp sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60% đến 70% rồi giảm giá 30% đến 50% thì người tiêu dùng vẫn là người chịu thiệt. Do vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác trong việc lựa chọn các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng khi mua bán sản phẩm hàng hóa.
"Chúng ta phải nêu thẳng thắn mặt trái của nó, cái này không phải cá biệt, gần đây nhất là vụ Big C đưa hàng hết date vào khuyến mại, rồi hiện tượng nâng giá hàng lên rồi hạ xuống, quảng cáo một đằng bán một nẻo, các cơ quan quản lí phải hết sức quan tâm để chấn chỉnh. Đặc biệt là bản thân doanh nghiệp phải tự giác "sửa lưng" trong quản trị nội bộ để làm tốt vấn đề của mình", ông Phú nhận định.
Ông Phú cũng cho rằng, quản lí nhà nước, Bộ Công thương các tỉnh thành phố phải duyệt các chương trình khuyến mãi hết sức chặt chẽ, quy định về khuyến mãi, chương trình khuyến mãi, mặt hàng khuyến mãi, các giá, hiện vật khuyến mãi, và đảm bảo trong quá trình đó phải có sơ kết kiểm tra, và phải có lực lượng để đi kiểm tra và tốt nhất bản thân giám đốc doanh nghiệp phải kiểm tra nội bộ của mình trước để không bị ảnh hưởng đến uy tín, như trường hợp của Big C vừa qua, mất niềm tin là mất tất cả.
"Tôi là người theo dõi hệ thống siêu thị Hà Nội gần hai chục năm rồi, tôi thấy đó là bài học về quan hệ nhân quả trong quá trình phát triển khuyến mãi của mình, có những khuyến mãi rủi ro giá trị lớn, chúng ta phải quản lí hết sức chặt chẽ, công khai, minh bạch. Tôi không đồng ý với câu "người tiêu dùng thông thái", mà các cơ quan quản lí phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng, bởi lúc đó mua bán chen lấn, xô bồ, khiến mắt thường không nhìn thấy được, cho nên phải giữ chặt nội bộ cho tốt trong các khuyến mãi, kiểm tra thường xuyên uốn nắn và có xử phạt nghiêm minh trong nội bộ của mình", ông Phú đưa lời khuyên.
Cũng theo ông Phú, hiện nay, những đánh giá tổng kết, sơ kết của một số Sở Công thương tỉnh, thành phố chỉ có định tính mà không có định lượng. "Cứ nói đơn vị này làm tốt, đơn vị kia làm tốt một cách chung chung, song điều chúng ta muốn thấy đó là những khuyến mãi đó đem lại giá trị tiêu dùng bao nhiêu hiện vật, thì hầu như không có", ông Phú nói.
"Những khuyến mãi trách nhiệm, trung thực mà quanh năm người ta đã làm tử tế rồi, thì tôi nghĩ đến khuyến mãi người ta cũng sẽ tử tế, còn nếu chỉ đột xuất nhất thời tung ra khuyến mãi thì đa phần là chộp giật, không bền vững, điều này chỉ có hại cho doanh nghiệp", ông Phú nêu quan điểm.
Để những khuyến mãi đi vào thực chất?
"Cách đây 27 năm, tôi là một trong những người mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội, nên rút ra những bài học sâu xa về khuyến mãi: Quản lí chặt từ nhân viên, nhập hàng, tổ chức khuyến mãi, sơ kết đánh giá để rút kinh nghiệm cho những đợt sau. Hàng tuần, hàng ngày phải có báo cáo đến giám đốc, chúng ta phải làm chặt, không được coi quyền lợi tiêu dùng mờ nhạt sẽ rất nguy hiểm cho đơn vị của mình...
Nêu giải pháp để cơ quan quản lý nhà nước làm tốt vai trò của mình, theo ông Phú, chúng ta muốn có chương trình khuyến mãi vang xa, thì phải lên chương trình bài bản khoa học, thực hiện trong thời gian bao lâu, giao trách nhiệm các bộ phận chức năng để kiểm tra sâu sát.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng thanh tra tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, Thành phố để tổ chức kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa và việc thực hiện các quy định của pháp luật khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mại…
Đặc biệt, chọn những đơn vị trong quá trình hoạt động kinh doanh không có "vết" để giao làm khuyến mãi; phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, sơ kết đánh giá nếu chương trình khuyễn mãi dài; dựa vào những hòm thư góp ý, dư luận báo chí để làm.
Để giải quyết tình trạng này, theo ông Phú: "Nên nâng chế tài lên. Ở các nước họ nâng chế tài bằng cách đánh mạnh vào túi tiền để các nhãn hàng và doanh nghiệp để không dám vi phạm. Ở ta phạt mấy trăm nghìn, không thấm vào đâu nên rất dễ tái phạm, bởi lợi nhuận họ thu được cao gấp nhiều lần...".