Quyết liệt ngăn chặn gian lận trong kê khai, làm giả chứng từ đối với hàng xuất khẩu
(DNTO) - Nhằm tránh để hành vi gian lận xuất xứ của một vài doanh nghiệp ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, đã ban hành công văn đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, từ năm 2020 đến nay, trong tổng số gần 1,35 triệu bộ C/O ưu đãi đã cấp, chỉ có khoảng gần 1.200 bộ C/O cơ quan hải quan nước nhập khẩu đề nghị xác minh xuất xứ. Như vậy, tỷ lệ C/O bị hải quan nước nhập khẩu yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy, các lô hàng được cấp C/O Việt Nam hầu hết đáp ứng các điều kiện để được cấp C/O.
Tuy vậy, có tình trạng doanh nghiệp gian lận trong kê khai, làm giả chứng từ để gian lận xuất xứ. Các mặt hàng chủ yếu là một số loại hạt, mặt hàng tấm gỗ ghép, hàng điện tử,...
Để phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và đảm bảo các lô hàng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được hưởng ưu đãi thuế quan, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã ban hành công văn số 349/XNK-XXHH ngày 28/5/2021 đề nghị các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị thực hiện nghiêm túc Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O đối với hàng hóa xuất khẩu có nguy cơ gian lận xuất xứ như linh kiện ô tô, các sản phẩm sắt, thép, hương (nhang) và các nguyên liệu làm hương, linh kiện ô tô, máy móc, thiết bị điện…
Ngoài ra, lưu ý các mặt hàng thuộc danh sách theo dõi các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) thông báo và cập nhật hàng quý và các mặt hàng doanh nghiệp từ trước tới nay chưa (hoặc ít khi) đề nghị cấp C/O.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ, Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ đạo các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O ưu đãi tăng cường công tác xác minh năng lực sản xuất thực tế của doanh nghiệp và xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương quy định về kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa.
Các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O cũng được yêu cầu chú trọng tuyên truyền, phổ biến về chính sách và quy định về xuất xứ hàng hóa đối với các doanh nghiệp đến làm thủ tục đề nghị cấp C/O. Nhanh chóng giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cấp C/O; có giải thích và nêu rõ yêu cầu cụ thể hướng dẫn doanh nghiệp trong trường hợp chứng từ, hồ sơ chưa đủ cơ sở để cấp C/O.
Trong bối cảnh gian lận thương mại có xu hướng gia tăng, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa và chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và đưa ra những cảnh báo sớm tới cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O và cộng đồng doanh nghiệp thông qua công tác xây dựng danh sách cảnh báo; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật; tăng cường trao đổi thông tin, kiểm tra việc cấp C/O đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Việc ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận xuất xứ đòi hỏi sự tham gia, chung tay của nhiều Bộ, ngành, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức về phòng chống gian lận xuất xứ, không tiếp tay cho những hành vi gian lận.
Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chân chính.