NFT triệu USD sau các cuộc rớt giá thảm: Đã đến lúc tìm lại giá trị thực?
(DNTO) - Một bài đăng trên mạng xã hội Twitter gắn NFT có thể bán với giá 2,9 triệu USD, điều tưởng chừng như trong mơ đang xảy ra trong đời thực. Thế nhưng, bài đăng đó cùng nhiều NFT triệu đô khác đang rớt giá thảm, cho thấy đã đến lúc cần tìm giá trị thực tế cho NFT.
Có hay không việc ‘làm giá’?
Năm ngoái, bài đăng đầu tiên vào năm 2006 của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey, sau khi được NFT (chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain) đã được Sina Estavi (CEO công ty blockchain Bridge Oracle tại Malaysia) mua với giá 2,9 triệu USD, với kỳ vọng có thể bán lại 50 triệu USD.
Thế nhưng, tháng 4 năm nay, NFT bài đăng đó được đem ra đấu giá, nhưng chỉ được trả cao nhất 280 USD. Mặc dù hiện NFT này đã được đẩy giá lên mức 24.000 USD, nhưng so với giá mua ban đầu là 2,9 triệu USD, thì Sina Estavi đã thua lỗ thảm hại.
Rất nhiều bộ sưu tập triệu đô khác hiện đang rớt giá thảm hại. Theo NonFungible, thị trường NFT đang lao dốc kể từ cuối năm ngoái. Hiện doanh thu toàn cầu trong lĩnh vực này cũng sụt gần một nửa, từ 4,6 tỷ USD xuống 2,4 tỷ USD chỉ từ tháng 1 đến tháng 3.
Việc những dòng tweet NFT được bán với giá triệu USD khiến một số người đặt nghi vấn liệu có hay không việc một số “ông lớn” trên thị trường lợi dụng thời điểm bùng nổ để ‘làm giá’ NFT, nhằm tạo nên hiệu ứng fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) trong giới đầu tư tiền ảo.
Bà Ella Đỗ, Giám đốc kinh doanh thị trường toàn cầu của Thetan Arena – Wolffun Game (game NFT Việt Nam đạt kỷ lục với hơn 5 triệu người chơi vào cuối năm ngoái, giá trị vốn hóa hơn 380 tỷ USD) cho rằng, tính thanh khoản NFT rất khó và thấp vì một số sàn giao dịch lớn trên thế giới cũng công nhận việc NFT có thể được tạo ra bởi một số người dùng nặc danh.
“Do vậy, rất khó đánh giá nếu người dùng có thể tạo dòng code trên tất cả các sàn và dùng trên các nền tảng. Đặc biệt, khi các người dùng giao dịch với nhau cũng trên nền tảng tiền số. Cho nên, việc làm giá không được kiểm soát. Vì vậy có những dòng tweet triệu đô, mình cảm giác rất không tưởng nhưng nó có thật và việc đó làm cho người dùng có tâm lý không biết có nên mua vào hay bán ra, tại sao nên hay không nên mua ồ ạt”, bà Ella Đỗ phân tích.
Không để giá NFT ‘trên trời’
Bình luận về giá trị thực của NFT nằm ở đâu, ông Scofield, founder và CEO BSCStation (nền tảng cung cấp các dịch vụ và tiện ích DeFi cho người dùng tiền điện tử trên Binance Smart Chain) cho biết, để hiểu được giá trị của NFT thì phải hiểu cách định giá NFT.
Theo ông Scofield, có 3 yếu tố để định giá một NFT. Đầu tiên là dựa vào tính ứng dụng của nó, được sử dụng vào mục đích gì, sử dụng ra sao. Thứ hai là tính hiếm của NFT, có số lượng bao nhiêu và làm sao để hệ thống được nó. Cuối cùng là tính hiện hữu của NFT đó, tức có được đại diện trong thực tế hay không như quyền sở hữu về đất hay tài sản khác không.
Ngoài ra, mấu chốt tạo ra giá trị thực tế cho NFT nằm ở người dùng. Giá trị token (tiền số) nằm ở quy luật vận hành của thị trường, tức giá trị nội tại nằm ở người dùng và tính ứng dụng của nó mang lại, nhưng cũng vận hành theo chu kỳ của thị trường.
“Khi thị trường bùng nổ, các giá trị NFT theo xu hướng tăng theo và khi thị trường đi xuống, như năm 2022, kỳ vọng của các quỹ đầu tư, người dùng đi xuống thì giá trị của nó cũng đi xuống theo vì nhu cầu của nó đang bị giảm đi. Thanh khoản của NFT rất thấp và mất nhiều thời gian hơn các tài sản số khác như các đồng coin”, ông Scofield cho hay.
Cũng theo bà Ella Đỗ, hiện thị trường NFT nói riêng và tiền số nói chung đang lao dốc cũng chưa hẳn điểm bất lợi. Bởi lẽ, thị trường vẫn đang trong quá trình xây dựng và hình thành nên nếu có biến động sẽ thanh lọc bớt những dự án kém chất lượng.
Ngoài ra, hạ tầng cũng là một rào cản vì phần mềm đi trước rất lâu nhưng chưa có hạ tầng phần cứng. Vì vậy, hạ tầng phần cứng để phát triển NFT vẫn cần độ chín, cần doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng, cần sự đầu tư của các quỹ.
Cuối cùng là nguồn nhân lực vì hiện việc hiểu biết về blockchain, NFT không đồng đều. Để xây dựng một cộng đồng có hiểu biết đồng đều trong lĩnh vực này để hỗ trợ lẫn nhau cần thời gian.
“Những dự án chất lượng họ sẽ chú ý đến việc người dùng của họ sử dụng NFT ra sao, độ hiếm NFT như thế nào. Còn những người chưa hiểu rõ về điều này, ví dụ họ tạo một NFT trên blockchain nhưng quên mật khẩu thì sẽ mất luôn, không kiện cáo được ai, không làm sao lấy lại mật khẩu vì chưa có một hệ thống hay bên nào đứng ra quản lý chuyện đó”, bà Ella Đỗ cho biết.
Bắt đầu từ giữa tháng 4, thị trường NFT đã bắt đầu phục hồi trở lại khi số lượng giao dịch NFT tăng mạnh trở lại. Trong quý 1/2022, có 950.000 địa chỉ duy nhất mua hoặc bán NFT. Nhưng chỉ từ 1/5 đến nay, đã có 491.000 địa chỉ duy nhất đã giao dịch với NFT, theo Chainalysis.
Tính đến 1/5, các nhà sưu tập đã gửi hơn 37 tỷ USD giá trị vào các thị trường NFT trong năm nay, gần như vượt qua tổng số tiền trong cả năm ngoái.
Việc thị trường NFT sụt giảm trong thời gian qua là bước lùi cần thiết để định hình lại sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng. Sau giai đoạn này, các nhà phát hành dự án tạo NFT sẽ phải chú trọng làm sao tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị thực để giữ giá cho NFT của mình, chứ không cần dùng đến yếu tố đòn bẩy khác.