‘Mùa xuân’ của các startup trí tuệ nhân tạo
(DNTO) - Sự chú ý của các nhà đầu tư, sự hỗ trợ từ chính sách cùng với nỗ lực của các startup được kỳ vọng sẽ mang đến “mùa xuân” cho các sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Sản phẩm AI “Make in Việt Nam” lũ lượt ra mắt
Từng phải “đau đầu” đối mặt với sự cạnh tranh của các loại camera của Trung Quốc giá thành rẻ (chỉ từ 600.000 đồng), giờ đây, Camera thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Hanet đã tự tin chinh phục người dùng, nhờ ưu việt về khả năng cảnh báo.
Ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Hanet, đơn vị sản xuất Camera AI đầu tiên ở Việt Nam, cho biết, việc ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo cũng rất rủi ro, nhưng khi thành công sẽ nhận được giá trị tương xứng.
“Các camera của Trung Quốc chỉ có chức năng là gửi tin nhắn khi phát hiện người đột nhập bất thường, chưa phân biệt được đâu là người nhà, đâu là người lạ. Nhưng với AI Camera có thể phát hiện được người lạ và gọi điện trực tiếp cho chủ nhà. Việc khó nhất là đưa toàn bộ những thứ phức tạp vào trong một thiết bị rất nhỏ. Nếu người tiêu dùng hiểu về nhiệm vụ chính của camera là phòng chống trộm cắp chứ không phải mất rồi mới xem lại thì sẽ có lựa chọn đúng”, ông Thọ cho biết.
Ứng dụng AI để xử lý dữ liệu đang là hướng đi của Công ty CP Công nghệ Computer Vision Việt Nam (CVS). Trí tuệ nhân tạo được CVS ứng dụng giúp số hóa tài liệu cho các doanh nghiệp, loại bỏ các bước nhập liệu thủ công, rút ngắn và tự động hóa quy trình xử lý tài liệu trên nền tảng online. Nhờ vậy, trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh, công ty này vẫn tăng trưởng 600%.
Một sản phẩm khác trong lĩnh vực này vừa thắng Giải thưởng bình chọn Sản phẩm ứng dụng Trí tuệ nhân tạo 2022 (AI Awards 2022) do VnExpress tổ chức, là Asilla, ứng dụng AI để cảnh báo hành vi bất thường như ngã, đột quỵ, đánh nhau…Sản phẩm đã được ứng dụng tại các tòa nhà, trung tâm thương mại của Nhật Bản để giám sát an ninh với độ chính xác lên tới 95%.
“Tùy vào cấu hình máy chủ mà giải pháp của chúng tôi có thể đồng thời xử lý 50 camera. Asilla đang nỗ lực tăng số lượng camera được xử lý, giúp giảm chi phí giá thành sản phẩm”, ông Nguyễn Thanh Hải, CEO Asilla chia sẻ.
Điểm sáng về AI để hút vốn mạo hiểm
MCKinsey nhận định AI là xu hướng công nghệ hàng đầu năm 2022. Ứng dụng AI đã thu hút tới 165 tỷ USD đầu tư trong năm 2021 và có tới 56% tổ chức đã ứng dụng công nghệ này. ByteDance, kỳ lân thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, hiện cũng là startup giá trị nhất thế giới với định giá 140 tỷ USD.
Việt Nam giờ đây không còn là quốc gia đang phát triển phải đối mặt với đói nghèo, mà đã được đánh giá là điểm sáng về công nghệ, trong đó công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo.
Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ” do Oxford Insights (Anh) ghi nhận, Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo toàn cầu năm 2022, xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN. Điều này cho thấy trình độ côn nghệ và khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của Việt Nam ngày càng cải thiện.
Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, để có thể tạo nên nền tảng dữ liệu số, nguồn nguyên liệu cho phát triển trí tuệ nhân tạo, thì Việt Nam cần nhiều hơn nữa các sản phẩm AI "Make in Việt Nam".
PGS.TS Bùi Thu Lâm, Tổng Thư ký Câu lạc Bộ Khoa- Trường- Viện Công nghệ Thông tin FISU cũng nhìn nhận, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam là đáng ghi nhận trong thời gian gần đây. Nhưng thực tế, hạ tầng thanh toán của chúng ta còn thiếu và yếu. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ là yêu cầu nền tảng ứng dụng AI trên thế giới phát triển nhanh hơn so với khả năng phát triển và khai thác hạ tầng công nghệ số trong nước.
“Giải pháp là phải hỗ trợ nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các nền tảng nội địa, có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo Việt Nam”, ông Lâm nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 được ban hành, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp, ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và thế giới, được kỳ vọng sẽ là động lực để các startup trong lĩnh vực công nghệ này thu hút các nguồn lực và tài chính, cơ chế chính sách, nhân tài để có sự bứt phá trong giai đoạn tới.