Luật Dược (sửa đổi): Thuốc bán online phải là thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
(DNTO) - Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Theo ông Hiếu, các loại thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là một trong 15 Luật được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 lần này.
Trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016, Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức mua bán thuốc online. Mua thuốc online mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại nhiều rủi ro mà người tiêu dùng cần phải cẩn trọng. Một trong những nguy cơ lớn nhất là việc mua phải thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng.
Tham gia ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, cho biết tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép. Đại biểu cho rằng, sau khi Luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
Về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, bày tỏ đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) liên quan việc quản lý kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, trong đó chủ yếu là cho bán các loại thuốc không kê đơn, còn muốn bán online với các loại thuốc kê đơn thì phải có điều kiện.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị, có thể cho phép bán thuốc online đối với các trường hợp thực hiện khám chữa bệnh online, có đơn thuốc của bác sĩ. Nhưng việc này chỉ thực hiện đối với các nhà thuốc đã được đăng ký, có uy tín, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng… Vì theo đại biểu, việc khám chữa bệnh online là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển. Nếu cấm bán toàn bộ thuốc online có thể dẫn đến gây khó khăn cho người bệnh...
Thống kê cho thấy, năm 2023, cả nước có hơn 60.000 cơ sở bán lẻ thuốc. Trong đó, hệ thống nhà thuốc Long Châu với hơn 1.000 nhà thuốc trên 63 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc Pharmacity với hơn 1.100 nhà thuốc trên 44 tỉnh, thành phố, hệ thống nhà thuốc An Khang với hơn 500 nhà thuốc tại 33 tỉnh, thành phố…).
Thống kê từ Bộ Công thương, hiện nền tảng online của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phê duyệt 52.000 web thương mại điện tử bán hàng nói chung, nhưng có khoảng 900 các loại web/công ty có chữ cái bắt đầu bằng "thuốc" hoặc "pharma".
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.
Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược. Trong khi đó thì ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về việc cần thiết rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc; bổ sung vào quy định cấm đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được cho phép; quy định rõ hơn về chuyển đổi số trong ngành dược; tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dược; điều chỉnh về vốn đầu tư và tiến độ giải ngân trong chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược...
Tại Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đã bổ sung, ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống, sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử. Đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược. Đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.
Ngoài ra, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán online, mà chỉ được bán online thuốc thuộc danh mục không kê đơn...