Quyết liệt nói ‘không’ với sử dụng điện thoại trong nhà trường
(DNTO) - Câu chuyện xung quanh ngày tựu trường năm nay đặc biệt xoay quanh chủ đề: Nói “không” với sử dụng điện thoại trong nhà trường phổ thông. Nó trở thành một làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, bất kể xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt.
Hạn chế/cấm sử dụng điện thoại trong nhà trường: Vấn đề của toàn cầu
Việc cho hay không cho trẻ mang điện thoại đến trường không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là của toàn cầu. Vào năm 2023, UNESCO đã kêu gọi các trường học trên toàn thế giới cấm sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Cơ quan giáo dục của Liên Hiệp Quốc đã trích dẫn nghiên cứu liên kết việc sử dụng điện thoại di động với sự mất tập trung và kết quả học tập kém hơn.
Bắt đầu niên khóa 2024-2025, Hoa Kỳ và một số nước châu Âu thực hiện các biện pháp hạn chế học sinh sử dụng điện thoại, trong đó một số trường áp dụng lệnh cấm hoàn toàn.
Theo The New York Times, ít nhất 8 tiểu bang đã ban hành luật về vấn đề này ở Mỹ. Còn Hungary thì bắt đầu vào tháng 9. Các khu vực nói tiếng Flemish của Bỉ cũng dự kiến sẽ áp dụng lệnh tương tự.
Lệnh cấm cũng được ban hành tại các nước: Hà Lan, Hy Lạp, Anh, Tây Ban Nha, Phần Lan, Australia, Canada, Síp, Hà Lan,Trung Quốc, Anh…
Tuy nhiên ít ai biết, Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng thử nghiệm lệnh cấm sử dụng điện thoại di động ở trường học trên toàn quốc từ ngày 10/8/2007. Còn ở Pháp, điện thoại di động và các thiết bị khác đã bị cấm ở các trường mẫu giáo và tiểu học kể từ năm 2018. Năm nay, gần 200 trường trung học sẽ tham gia chương trình thí điểm với nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Nếu thí điểm thành công, sẽ áp dụng lệnh cấm trên toàn quốc kể từ tháng 1/2025.
Tại Việt Nam
Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định được ghi trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 về việc: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Ngay lập tức nhiều trường học ở Nghệ An và rải rác ở một số trường học trong nước đã triển khai thông tư này, như Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM), Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông… Tuy nhiên, hầu hết các trường, việc học sinh được sử dụng điện thoại hay không, thuộc quy định riêng của mỗi trường và quyền hạn của mỗi giáo viên.
Phải đến năm nay, niên khóa 2024 – 2025, làn sóng cấm học sinh dùng điện thoại trong nhà trường mới lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước với những quy định nghiêm ngặt hơn. Một số trường học tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng có hiệu quả tích cực như THPT Trường Chinh (Q.12), THPT Thạnh Lộc (Q.12)… ra nội quy cấm học sinh dùng điện thoại trong trường - kể cả giờ ra chơi. Đồng thời hàng loạt trường ở Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Hà Nội, Tuyên Quang cũng yêu cầu học sinh không dùng điện thoại trong suốt buổi học, thậm chí không mang theo đến lớp.
Hiệu quả bước đầu
Bước đầu quy định này vấp phải một số ý kiến trái chiều của phụ huynh vì lo lắng không kết nối được liên lạc với con em, hay vướng phải sự không đồng tình, tỏ ra khó chịu của nhiều học sinh.
Tuy nhiên, do cách tổ chức thực hiện có đầu tư, bài bản, khoa học, hợp lý của các trường mà sau hai tháng kể từ đầu năm học đến nay, việc nói không với điện thoại trong nhà trường của học sinh bước đầu ghi nhận những chuyển biến tích cực tại một số địa phương trên cả nước.
Học sinh tỏ ra vui vẻ hợp tác, các em quen dần và thấy hứng khởi khi giờ giải lao được vui chơi, giao lưu trực tiếp với bạn bè, chơi trò chơi vận động thay vì cắm cúi vào điện thoại; giờ lên lớp tập trung nghe giáo viên giảng bài hơn thay cho việc “lén” dùng điện thoại để nhắn tin, chụp ảnh, quay clip… như trước. Giờ chào cờ hoặc ngoại khóa, các em lĩnh hội nội dung thầy cô hay chuyên gia trao đổi một cách hiệu quả hơn thay vì tập trung vào chiếc điện thoại.
Ngoài ra, hy vọng trong tương lai, việc không/hạn chế sử dụng điện thoại trong nhà trường còn giúp cải thiện các “tệ nạn” liên quan đến bạo lực học đường hay uy hiếp nhau trên không gian mạng.
Không thể phủ nhận, nếu sử dụng điện thoại thông minh đúng cách sẽ hỗ trợ các em học sinh rất nhiều trong tra cứu thông tin và tiếp cận tài liệu học tập, nhất là trong bối cảnh phương pháp dạy học đổi mới theo định hướng phát triển giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, để được như thế, đòi hỏi phụ huynh và nhà trường phải quản lý giám sát thật chặt chẽ. Đặc biệt là ý thức cực kỳ cao cùng tâm lý vững vàng của học sinh, mà vốn ở lứa tuổi của các em khó thực hiện được. Do vậy trước mắt, lệnh cấm vẫn là biện pháp khả thi nhất.
Để đẩy mạnh giải pháp cấm sử dụng điện thoại trong trường học có kết quả, rất cần phụ huynh hợp tác cùng đồng hành với nhà trường và tinh thần tự giác của học sinh.