Bắt pen - trò chơi cực kỳ nguy hiểm
(DNTO) - Bên cạnh những tiện ích được ghi nhận, mạng xã hội cũng cho ra đời những trào lưu độc hại, phản cảm thu hút sự hiếu kỳ của số đông, nhất là lớp trẻ, để lại những hậu quả nặng nề. Đang diễn ra là trào lưu “Bắt pen”.
“Bắt pen” không phải là trò chơi
“Bắt pen” là hành vi một người dùng tay ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ của người đối diện, cho đến khi người này có dấu hiệu rơi vào trạng thái lơ mơ rồi lịm dần đi. Xuất phát của trò chơi này được cho rằng, từ việc một tài khoản Tiktok có tên K.T. đăng tải video mô tả chi tiết cách thức tham gia. Lập tức clip được lan truyền và thu hút hơn 3,5 triệu lượt xem, hơn 100.000 lượt thích cùng hàng nghìn bình luận, chia sẻ.
“Cảm giác lâng lâng” được mô tả, chính là điểm thu hút khiến nhiều bạn trẻ thích thú và tò mò bắt chước.
“Bắt pen” nguy hiểm đến tính mạng
“Bắt pen” là trào lưu mang tính chất đùa giỡn với sức khỏe, mạng sống của người chơi. Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, hành động ấn mạnh, chèn ép động mạch cảnh sẽ gây cản trở lưu lượng máu lên não, làm tắc nghẽn mạch cảnh trái và phải ở cổ, trong khi 80% lượng máu nuôi não được vận chuyển qua 2 mạch cảnh này.
Cho nên khi ấn lâu sẽ cản trở máu lên não. Thiếu máu nuôi dưỡng não tạm thời sẽ gây choáng váng, ngã vật ra. Trường hợp nặng có thể làm ngưng tim đột ngột gây tử vong. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch, huyết áp hoặc tuần hoàn máu, khi thực hiện động tác "Bắt pen" sẽ dễ hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Cùng quan điểm trên, Thượng tá, BS Vũ Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) giải thích: “Khi ấn mạnh vào động mạch cảnh ở vùng cổ làm cho lượng máu cung cấp cho não đột ngột giảm khoảng 60-70% khiến cho người đó dễ rơi vào tình trạng đột quỵ não hoặc làm cơn nhồi máu não do cục máu đông có thể bùng phát. Khi ấn vào động mạch giống như xoa vào xoang cảnh khiến cho nhịp tim bị giảm, thậm chí gây ngừng tim. Đây là động tác cấp cứu mà các bác sĩ thường dùng khi bệnh nhân bị nhịp tim nhanh kịch phát. Do vậy, cả hai yếu tố nêu trên đều gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là mất mạng”.
Cũng đề cập đến các nguy cơ về sức khỏe người chơi, bác sĩ Lê Thanh Bình, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: có ba vấn đề xảy ra khi chơi “Bắt pen”, một là thiếu máu lên não, mất ý thức tạm thời; Hai là dễ gây nhồi máu não, có thể gây liệt nửa người hoặc hôn mê; Ba là có thể ngừng tim.
Với cùng cách giải thích tương tự, rất nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo: Đây hoàn toàn không phải là trò chơi, “Bắt pen” là hành vi nguy hiểm tuyệt đối không làm theo. Nhiều bạn trẻ tưởng “Cảm giác lâng lâng” là phê, là sướng, có thể dùng xả stress... là hoàn toàn sai lầm.
Ngăn chặn kịp thời các trào lưu độc hại trên mạng xã hội
Các trào lưu độc hại không chỉ gây tổn hại thể chất, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và nhận thức, cho người tham gia… mà còn khiến bạn trẻ sao lãng học tập và các hoạt động tích cực khác.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, các trào lưu xuất hiện thu hút giới trẻ dẫn đến những tai nạn nguy hiểm. Đã từng có trend cho mắm tôm vào trà sữa, hít dầu gió, ném đá vào xe đang lưu thông trên đường, bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay)… Nhưng “bắt pen” có nguy cơ rất lớn trả giá bằng cả tính mạng “người chơi”.
Để ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, vai trò giám sát, nhắc nhở định hướng và giáo dục của phụ huynh và nhà trường là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, người dùng mạng xã hội cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình, hết sức tỉnh táo trước các trào lưu trên mạng xã hội.
Đặc biệt, quan trọng có tính chất quyết định vẫn là sự tham gia về mặt quản lý Nhà nước, bằng các văn bản pháp lý cụ thể, nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự phát tán những trò chơi nguy hiểm tạo thành trào lưu trên mạng xã hội.