Khi trò chơi điện tử làm bạn với ‘ông lớn’ tài chính
(DNTO) - Ngân hàng MB, Công ty chứng khoán SSI, ‘kỳ lân’ fintech MoMo… đều đang đưa trò chơi điện tử vào ứng dụng của mình để thu hút và giữ chân khách hàng trong môi trường số.
Trẻ hóa những gã già nua
Một thị trường vốn được xem là cứng nhắc và khô khan là tài chính đang đón nhận làn gió mới từ xu hướng Trò chơi điện tử ứng dụng hóa (Gamification). Đây được xem là xu hướng quản lý mới cho phép các công ty tài chính đưa ứng dụng công việc vào trò chơi nhằm giúp khách hàng tìm hiểu, nghiên cứu và giải trí để tăng hiệu quả.
Nổi bật nhất là “Cú già phố Win”, tựa game được phát triển bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, ra mắt hồi đầu tháng 7. Bằng cách thực hiện các nhiệm vụ được đặt rải rác tại các tòa nhà trong phố, người chơi có cơ hội nhận giải thưởng giá trị, đồng thời có thêm nhiều kiến thức về chứng khoán.
Chia sẻ về điều này, bà Lục Kim Thanh - Giám đốc Dịch vụ Trực tuyến tại Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho hay, gamification không xa lạ với thị trường nhưng để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thì không đơn giản vì suy cho cùng, game cũng chỉ là một sản phẩm để người dùng tận dụng tìm hiểu kiến thức trong xã hội công nghệ phát triển.
“Với nhà đầu tư trẻ đông đảo hiện nay, họ luôn muốn có sự trải nghiệm và không phải ở đâu cũng có trải nghiệm thực tế để họ thử. Vì vậy, khi đưa vào game những thông điệp, kiến thức chứng khoán, nhà đầu tư sẽ có đủ kiến thức và hiểu biết về thị trường, họ sẽ chấp nhận việc đầu tư và chấp nhận rủi ro, cũng như có khả năng vượt qua mọi biến cố của thị trường”, bà Kim Thanh cho hay.
Trước SSI, nhiều ngân hàng, startup fintech khác cũng tận dụng xu hướng gamification để thu hút khách hàng.
Đơn cử như MB, ngân hàng đầu tiên ứng dụng gamification với chương trình “Săn ong vàng” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới trẻ. Hay chương trình “Săn Heo Chiêu Tài: Heo phát tướng, Ví phát tài” của ZaloPay giúp ví điện tử này tăng 400% giao dịch thanh toán và lì xì chỉ trong 1 tháng tổ chức. Momo cũng từng tung ra chương trình “Thành phố MoMo: Giải đố xây thành phố – Cùng tranh 10 tỷ đồng” với sự lồng ghép khéo léo giữa các nhiệm vụ trong trò chơi cùng các tính năng sản phẩm như chuyển tiền… để duy trì tương tác giữa các khách hàng.
“Chứng khoán ở Việt Nam chưa già nhưng trên thế giới là ngành lâu đời. Khi nói đưa game vào chứng khoán, ngân hàng hay thậm chí là khách sạn… là điều gì đó kỳ cục. Nhưng hiện nay, khi đưa game, một trò vốn được xem là trẻ con vào với thị trường được coi là khá nghiêm túc thì đó là sự đột phá và sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ”, ông Lê Quốc Vinh - Phó chủ tịch CLB Giám đốc Sales & Marketing Việt Nam Việt Nam, chia sẻ.
“Xôi hỏng, bỏng không” nếu không có dữ liệu
Gamification ở Việt Nam vẫn mới ở giai đoạn đầu, các đơn vị cũng đang quá trình vừa xây dựng, thăm dò thị trường, hoàn thiện, vì vậy vẫn còn rất nhiều lỗ hổng và một trong những lỗ hổng các đơn vị thường bỏ quên đó là dữ liệu.
Ông Jack Nguyễn, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Insider, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn cho các đơn vị ứng dụng gamification, cho biết, bản chất của việc đưa trò chơi vào ứng dụng tài chính vẫn là giúp bán được nhiều sản phẩm trong vòng đời của người dùng. Vì vòng đời của người dùng đi từ lúc họ còn trẻ, cho đến lúc họ có con, gia đình và kể cả về già, họ vẫn đầu tư. Do đó trong gamification cần tiếp cận 3 yếu tố: xác định chân dung người dùng, cách giúp người dùng thăng hạng và thay đổi game theo thời gian.
“Chúng tôi làm việc với các tổ chức tài chính làm game thì phiên bản đầu sẽ rất khác với phiên bản số 2,3,4. Khi dựng game phải thông qua dữ liệu, với những người mới bắt đầu chơi thì họ cần gì ở game và những người chơi lâu năm thì họ cần gì. Trả lời được những câu hỏi này mới có thể dựng lên phiên bản đầu tiên.
Trước khi ra mắt sản phẩm, sai lầm của nhiều bên là không có dữ liệu để chứng minh game đó thực sự ra mắt có hiệu quả hay không. Nếu ra mắt sớm khi chưa có đủ dữ liệu thì không kéo được người chơi hoặc chơi xong họ không quay trở lại. Dữ liệu sẽ chứng minh được chỗ nào người ta chơi, chỗ nào không chơi nhiều”, ông Jack Nguyễn nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, kinh nghiệm của nhiều đơn vị tài chính phát triển gamification là luôn giữ một phiên bản song song khi nâng cấp game. Tức nhiều app tài chính hiện nay họ vẫn giữ 10-15% kiểu chơi theo nhánh cũ, và còn lại điều chỉnh để thăm dò người chơi.
“Cái lõi của sản phẩm vẫn xây dựng theo mô hình học viện đào tạo, ví dụ có chương trình từ lớp 1-12. Tuy nhiên, khả năng học tập mỗi người lại không giống nhau. Nếu ở môi trường offline thì luôn có người thúc họ đi học như telesale gọi điện (hoạt động quảng cáo sản phẩm và bán hàng thông qua điện thoại)… nhưng với công ty tài chính, có 10 triệu người dùng, không thể đủ nhân lực chăm sóc họ mỗi ngày. Giá trị công nghệ là tối ưu hóa quá trình chấm điểm, tương tác với lớp học như thế nào để đưa ra đánh giá người này có đáp ứng được hay không hay sắp bỏ rồi. Lúc đó nhà phát triển sẽ định hướng tập trung giữ nhóm người này hay bỏ qua luôn”, ông Jack Nguyễn gợi ý.
Theo các chuyên gia, ứng dụng gamification trong ngành tài chính – ngân hàng là một chiến lược “câu khách” hợp thời và thông minh, nhằm duy trì mối tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng tiềm năng, đồng thời góp phần tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Tuy vậy, để giảm thiểu tối đa rủi ro khi xây dựng ứng dụng, nên thử nghiệm với các chiến dịch nhỏ kết hợp với việc thu nhập dữ liệu khách hàng để dễ dàng và nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp.