Đăng tải, chia sẻ hay bình luận nội dung sai sự thật đều bị xử phạt như nhau
(DNTO) - Lâu nay, đa số người dùng mạng xã hội cứ nghĩ chỉ có những người đăng tải bài viết và hình ảnh mới bị truy cứu khi vi phạm các quy định của luật an ninh mạng hoặc luật pháp nhà nước. Tuy nhiên, hành vi chia sẻ (share) hoặc bình luận (comment) có nội dung sai sự thật cũng sẽ bị xử phạt như hành vi đăng tải bài viết.
Đăng bài có nội dung thông tin sai sự thật bị xử phạt
Các ứng dụng nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Instagram… ra đời đã thu hút hàng triệu người dùng ở Việt Nam. Không thể phủ nhận nó mang lại nhiều giá trị tích cực trong các lĩnh vực đời sống xã hội, bao gồm lợi ích từ giải trí, trao đổi thông tin, kết nối từ xa…
Tuy nhiên, do một số bộ phận người dùng sử dụng mạng xã hội làm công cụ thỏa mãn ý chí và phục vụ lợi ích cá nhân, xa rời các tiêu chí cộng đồng khiến không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp và bất ổn.
Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp người dùng bị xử phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố phạt tù do các vi phạm trong quá trình sử dụng nền tảng mạng xã hội.
Mới đây, ngày 3/6, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh TT-Huế phối hợp với Sở TT&TT và Công an xã Hương Thọ, TP. Huế tiến hành mời làm việc và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Tý (SN 1990, trú tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) là chủ tài khoản Youtube “15s Bình Dương”, về hành vi đăng tải nội dung có tính chất giật gân, sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân liên quan đến ông Thích Minh Tuệ.
Thông tin liên quan: Chỉ trong vòng 1 tháng từ 15/8 - 14/9/2023, gần 800 bài viết, video thông tin sai sự thật đã bị buộc gỡ bỏ trên các nền tảng Facebook, Youtube, TikTok. Đây là thông tin được Bộ Thông tin - Truyền thông công bố tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 5/10/2023.
Không chỉ có đăng bài, chia sẻ và bình luận cũng bị xử phạt nếu vi phạm
Có một thực tế là lâu nay, đa số người dùng cứ nghĩ chỉ có những người đăng tảỉ bài viết và hình ảnh mới bị truy cứu khi vi phạm các quy định của luật an ninh mạng hoặc luật pháp nhà nước.
Tuy nhiên, theo Luật sư - thạc sĩ Kiều Anh Vũ: Hành vi chia sẻ (share) thông tin sai sự thật từ bài của người khác kể cả trang báo về trang cá nhân của mình cũng bị xem là phát tán thông tin sai sự thật dựa theo điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng cho biết: Việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người cần kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trước khi chia sẻ để tránh những vi phạm pháp luật không đáng có.
Đối với các bình luận (comment): Nếu bài viết có thông tin giả mạo, sai sự thật… Mà người bình luận dựa vào đó đưa ra những quan điểm, nhận định đồng thuận, đồng thời nâng cao quan điểm, cổ xúy… thì trong trường hợp này cũng được xem là đăng tải thông tin sai sự thật và bị xử phạt hành chính.
Trước một điểm nóng thông tin, một hiện tượng xã hội, ai cũng có quyền được góp ý, bàn luận, nhận định và đưa ra quan điểm của cá nhân mình. Đây là quyền tự do ngôn luận không thể bị cấm cản, hay lên án.
Tuy nhiên, trước khi tham gia bình luận chúng ta cần tỉnh táo lựa chọn bài đăng hoặc chia sẻ từ các kênh thông tin có uy tín, có độ tin cậy xác thực cao; Cần sáng suốt nhận ra các thông tin xuất phát từ những cá nhân lạm quyền, trục lợi, chỉ nhằm mục đích giật gân, câu view, tạo sự nổi tiếng bất chấp, tạo nên những hiệu ứng sai lệch, thông tin giả mạo, vi phạm quy định của nhà nước. Sự tỉnh táo thông minh sẽ giúp người tham gia bình luận tránh liên lụy, phiền phức không đáng có.
Ngoài tránh vi phạm pháp luật, người bình luận cũng cần tuân thủ những quy tắc đạo đức và thể hiện nền tảng văn hoá tranh luận của mình. Nên tránh trường hợp do hiếu thắng, không kiểm soát được cảm xúc mà bình luận gây tổn thương cho cá nhân, tập thể hoặc một địa phương hay vùng miền.
Như trường hợp vừa qua, cho rằng ông Minh Tuệ không được cho trú qua đêm tại Quảng Trị và bị “mất tích” tại Huế, một số người bình luận có nội dung tẩy chay, không đến Huế, không yêu người Huế, không ăn món Huế và “trù rủa” cho các địa phương này bị thiên tai bảo lụt nặng nề. Thậm chí hiện tượng sét đánh ở Hà Nội cũng được quy chụp theo tâm linh là có liên quan đến việc ông Minh Tuệ được cho rằng “mất tích”.
Việc làm này đi ngược lại với truyền thống nhân ái, "nhiểu điều phủ lấy giá gương" có từ ngàn đời của dân tộc ta. Xưa nay, mỗi khi miền Trung bị bảo lụt hay bất cứ nơi nào trên đất nước bị thiên tai, toàn dân thảy đều ra sức cầu nguyện và gom góp cứu trợ đồng bào.
Tóm lại khi tham gia mạng xã hội, dù là đăng bài viết, chia sẻ hay bình luận, mỗi cư dân mạng cần kiểm chứng độ chính xác, trên nền tảng tri thức, thái độ khách quan, lấy lợi ích của cộng đồng, quốc gia làm mục đích. Mọi cuộc tranh luận cần dựa trên cơ sở đối thoại hiểu biết, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau.