Facebooker Vo Quoc xúc phạm giới báo chí: Thêm một bài học về cách hành xử
(DNTO) - Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị tuyên án 3 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” chưa kịp lắng xuống thì câu chuyện của Facebooker Vo Quoc lại nổ ra với hành vi tương tự.
Từ những phát ngôn với lời lẽ miệt thị, xúc phạm đến nghề báo và người làm báo bằng cụm từ “bọn báo chí” của tài khoản Facebook Vo Quoc (được cho là của đầu bếp Võ Quốc). Status này được cư dân mạng chia sẻ rầm rộ, sau đó nó đã được chủ nhân gỡ xuống và đăng đính chính rằng bài viết đó không do mình viết mà do facebook bị hack.
Cộng đồng mạng tiếp tục phản ứng dữ dội, Facebooker Vo Quoc buộc phải xóa luôn nội dung lời xin lỗi.
Trước tình hình vụ việc vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến uy tín danh dự nghề báo và người làm báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Dân tình đang chờ đợi kết quả xác minh xem tài khoản Facebook trên có thật sự bị hack hay không. Thiết nghĩ việc này không khó. Nếu đúng sự thật tài khoản Facebook Vo Quoc là tài khoản chính chủ của đầu bếp Võ Quốc thì đương sự sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi chờ đợi kết quả xác minh, chúng ta thử xem xét câu chuyện theo chiều hướng rút tỉa “bài học”.
Vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên án 3 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” chưa kịp lắng xuống thì câu chuyện của Facebooker Vo Quoc lại nổ ra với hành vi tương tự. Chỉ khác một người nói bằng miệng và một người gõ thành chữ.
Cho thấy, tình trạng thông tin không đúng sự thật, nói xấu, công kích, chửi bới, phê phán, kết tội người khác - nói nôm na là “chửi” nhau - trên mạng xã hội hiện nay là tình trạng gần như phổ biến. Một lần nữa, thực tế lại cho chúng thêm một bài học về ranh giới của sự vi phạm và không vi phạm luật pháp khi “chơi” mạng xã hội là rất mong manh. Chúng ta không biết khi nào sẽ vi phạm nếu ta không làm chủ cảm xúc của mình.
Cả bà Phương Hằng và Facebooker Vo Quoc qua một góc nhìn khác có thể nói là do không biết kềm chế cảm xúc - là một trạng thái sinh học liên quan đến hệ thần kinh của con người.
Không kiềm chế được cảm xúc nhất là những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, căm ghét, ghen tuông, thù hận… là nguyên nhân gây ra nhiều thảm cảnh đau lòng, hại người, hại ta.
Anh em tranh nhau một ranh đất, lời qua tiếng lại nặng lời; Vợ chồng cãi vã xúc phạm, mạt sát nhau; Bị phụ tình đâm ra đau khổ sinh oán hận; Bị lừa mất hết tài sản nảy sinh ý định trả thù: Trong nhiều trường hợp do không kiềm chế được cảm xúc, từ lời qua tiếng lại, cãi vã, mạt sát, oán hận đã đưa đến xảy ra các vụ án bạo hành thậm chí giết người.
Cho thấy việc tập cho mình biết cách điều khiển, kiềm chế cảm xúc nhất là các cảm xúc tiêu cực trong mọi tình huống là rất quan trọng thuộc kỹ năng ứng xử trong cuộc sống.
Trở lại việc Facebooker Vo Quoc dùng lời lẽ “xấu xí, bẩn thỉu” để chửi bới “bọn báo chí” mà theo rất nhiều cư dân mạng là lời lẽ vô văn hóa không thể chấp nhận. Trước hết có thể nhìn nhận đây là một sự trả đũa cho một hành vi hoặc lời nói nào đó, của một ai đó, hoặc một tập thể, tổ chức nào đó, dưới tên gọi “bọn báo chí”.
Ở đời, không ai không từng bị mâu thuẫn, ức chế bởi một sự việc, hay bởi một quan hệ nào đó. Quan trọng là cái cách chúng ta phản ứng, thậm chí trả đũa như thế nào cho có hiệu quả mà vẫn thể hiện được tư cách của một con người, không kể còn là một con người có tri thức, địa vị trong xã hội.
Tuy nhiên, khác với bà Nguyễn Phương Hằng: kêu tận tên chỉ tận mặt người mình muốn “trả đũa”, ở đây Facebooker Vo Quoc gộp chung lại cả một ngành nghề mà thóa mạ. Đây chính là mấu chốt của vấn đề khiến làn sóng phẫn nộ của công chúng nhất là các anh chị em thuộc giới báo chí trở nên dữ dội. Chi tiết này cho chúng ta thêm một bài học nửa về cách hành xử.
Trong khi chờ đợi mọi việc ngã ngũ, chúng ta vẫn cần ghi nhớ, Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng có nêu rõ: Cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi như: chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…
Đồng thời Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự cũng cần được lưu ý.
Bên cạnh việc kiềm chế cảm xúc, việc trang bị kiến thức pháp luật khi sử dụng mạng xã hội là vô cùng cần thiết.