Am hiểu luật pháp khi 'chơi' mạng xã hội là bài học mà ai cũng cần phải thuộc
(DNTO) - Việc đưa thông tin trên mạng xã hội sai sự thật, gây hoang mang dư luận sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu việc đó gây ra tác động, hậu quả ở mức độ nghiêm trọng thì có thể bị xử lý hình sự. Đã đến lúc người “chơi” mạng xã hội cần nắm rõ “luật chơi”, không nên “nói cho sướng miệng” để rồi mang họa vào thân.
Vừa qua, sau khi xảy ra vụ việc nhóm người tấn công hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào rạng sáng 11/6, Công an TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành qua công tác nắm tình hình đã phát hiện một số chủ tài khoản mạng xã hội đã có hành vi đăng tải nội dung xuyên tạc đưa tin sai sự thật, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, bình luận với nội dung không đúng bản chất sự việc.
Các hành vi trên đã vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 14/2022).
Với mức xử phạt hành chính mỗi cá nhân 7,5 triệu đồng, các chủ tài khoản mạng xã hội vi phạm đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình và cho biết, do thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế, lệch lạc; một số do hành động bộc phát, nhất thời nông nỗi… dẫn đến thông tin kích động, gây mất an ninh trật tự; bình luận thiếu kiểm chứng, xúc phạm lực lượng an ninh nhân dân.
Sau khi bị xử phạt và được cơ quan chức năng khuyến cáo, các chủ tài khoản vi phạm cam kết gỡ bỏ các thông tin thất thiệt và không tái phạm.
Còn nhớ trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng, cách đây không lâu, trong một livestream, chỉ vì phát đi một thông tin sai sự thật, bà đã bị Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng. Cũng trong vụ việc này, nhiều cá nhân là chủ tài khoản các trang mạng xã hội có liên quan đã bị khởi tố vì vi phạm các điều luật quy định của luật pháp trong quá trình đưa, chia sẻ thông tin và tham gia bình luận.
Vẫn còn đang nóng hổi là câu chuyện về gia đình cố NSƯT Vũ Linh đang diễn ra trên mạng xã hội. Rất mong trong khi thể hiện chính kiến của mình mọi người cần rút ra bài học kinh nghiệm để đừng rơi vào các vi phạm không đáng có như đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, xúc phạm danh dự uy tín của cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị, tổ chức…
Từ ngày mạng xã hội ra đời, nó lập tức chứng tỏ sự lợi hại của mình. Sức mạnh của mạng xã hội đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người. Dĩ nhiên, có cả phần tốt và phần chưa tốt.
Mạng xã hội giúp lan tỏa những hình ảnh tích cực mang đến cho con người niềm tin vào cuộc sống, vào con người, nó làm cho cuộc đời này tươi đẹp hơn lên. Cũng nhờ mạng xã hội mà nhiều vụ việc tiêu cực được biết đến, giúp ngăn chặn kịp thời. Nhiều người thất lạc, mất liên lạc lâu năm nhờ mạng xã hội mà đã tìm được nhau. Rất nhiều cửa hàng làm ăn phát đạt, nhiều cá nhân có thu nhập vào hàng khủng nhờ loại hình kinh doanh online, những buổi live stream bán hàng.
Đó là sức mạnh không thể thay thế của mạng xã hội vì lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp người ta lợi dụng mạng xã hội để câu kike, để thực hiện những ý đồ xấu như chửi bới, mạt sát, hạ bệ nhau, đưa những thông tin thất thiệt khiến dư luận hoang mang…
Trở lại việc các tài khoản bị xử phạt vì đưa tin thất thiệt trong vụ việc nhóm người tấn công hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của luật pháp, không thể xem thường. Đồng thời là một bài học cho tất cả chúng ta - những người không thể sống thiếu mạng xã hội mỗi ngày. Đó là, tuyệt đối không đưa tin sai sự thật. Khi chia sẻ thông tin của người khác cần bình tĩnh, sáng suốt, kiểm chứng nguồn tin, nhận diện rõ các thông tin giả (fake news). Ngoài cách ứng xử thông thái, văn minh, tuân thủ những quy tắc ứng xử cộng đồng, bài học về sự am hiểu luật pháp khi “chơi” mạng xã hội là bài học mà ai cũng cần phải thuộc.